Chính phủ và Đảng mở phong trào tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Nền tảng sản xuất và tiết kiệm là gia đình (và đơn vị bộ đội). Các địa phương, như Liên khu Việt Bắc, đã huấn luyện hơn 187.000 cán bộ tỉnh, huyện, xã và đồng bào về việc lập kế hoạch gia đình. Như thế là tốt. Nhưng...
Từ trước đến nay, gia đình nào cũng có kế hoạch thô sơ, như: chăn nuôi thứ gì, mùa nào trồng gì, mấy sào mấy mẫu, v.v.. Nơi nào cán bộ hiểu biết tình hình, chịu khó giải thích cho đồng bào rõ, thiết thực giúp đồng bào sắp xếp kế hoạch thô sơ ấy cho có ngăn nắp hơn, để đồng bào tự giác tự động thực hành, và cán bộ luôn luôn theo dõi, khuyến khích, thì đều thu được kết quả tốt.
Nhưng có nhiều nơi cán bộ không biết làm như vậy. Họ không sát thực tế, không giải thích kỹ lưỡng. Họ dùng cách quan liêu, mệnh lệnh ép buộc đồng bào học tập chương trình sản xuất và tiết kiệm. Họ bao biện việc lập kế hoạch gia đình. Họ máy móc, như giúp một gia đình ở nông thôn làm kế hoạch mà họ bắt kê thu và chi rất tỉ mỉ, dài hàng sải, rất phiền phức, như kế hoạch của một hãng buôn lớn. Họ chủ quan, tưởng như thế là thành công rồi. Sự thực thì kế hoạch ấy, đồng bào không hiểu, không thực hiện được. Đó là một kế hoạch "hữu danh vô thực". Thậm chí có nơi, có đồng bào còn tưởng lầm rằng: Sản xuất nhiều, Chính phủ sẽ đánh thuế nhiều! Hoặc: Chính phủ đánh thuế nông nghiệp hai lần! Thế mà những cán bộ kia cũng không biết giải thích cho ra lẽ để đồng bào rõ.
Nói tóm lại: Kế hoạch gia đình là một điều rất hay, rất tốt, ích nước lợi dân. Nhưng cán bộ phải biết chuẩn bị, giải thích, đánh thông tư tưởng, giúp đồng bào tự giác tự động làm, tránh bệnh quan liêu mệnh lệnh, biết theo dõi, đôn đốc, thì mới chắc chắn thành công.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 71, ngày 21-8-1952, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.469-470.