Tiêu Dụ Lộc - Bí thư huyện ủy gương mẫu - Thấm nhuần sự giáo dục của Đảng và Chủ tịch Mao Trạch Đông, hàng nghìn hàng vạn đảng viên trở thành những cán bộ xuất sắc. Đồng chí Tiêu Dụ Lộc là một gương mẫu trong hàng ngũ cán bộ ấy.

Năm 1962, đồng chí Tiêu được cử làm Bí thư Đảng ủy huyện Lan Khảo, tỉnh Hà Nam.

Huyện này rộng 1.800 kilômét vuông, với 36 vạn nhân dân và có... ba thứ tai nạn. Một là nạn cát, hai là nạn úng, ba là chua mặn. Thí dụ, năm 1962 hơn 13.500 hécta mạch bị cát vùi. Nạn úng làm hỏng 20.000 hécta lúa, và chua mặn làm hỏng hơn 6.500 hécta.

Với đức tính của người cộng sản là cần và kiệm, không sợ khó không sợ khổ, không vì lợi, không vì danh, một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, đồng chí Tiêu đã quyết tâm lãnh đạo nhân dân Lan Khảo vượt mọi khó khăn, tiêu diệt ba thứ tai nạn.

Tuy sức khỏe kém, đồng chí ấy đã luôn luôn quên mình để làm tròn nhiệm vụ. Cùng với việc lập kế hoạch tiêu diệt ba thứ tai nạn trong thời hạn từ 3 đến 5 năm, đồng chí Tiêu bắt tay vào việc giáo dục cho toàn thể cán bộ và đảng viên trong huyện có quyết tâm, và toàn thể nhân dân thật tin tưởng. Đồng thời điều tra nghiên cứu thật kỹ nguồn gốc những tai nạn ấy.

Nhân lúc cát bay mù trời và khi mưa to hàng tuần không ngớt, đồng chí Tiêu đã cùng cán bộ xông pha mưa cát, đi xem xét luồng gió cát bay và hướng nước lụt chảy. Nhiều khi ngày thì ăn lương khô, tối thì mấy người ngồi xổm trên đất bùn, dựa lưng vào nhau mà ngủ.

Lan Khảo có 149 đại đội (xã), đồng chí Tiêu đã điều tra kỹ 120 xã. Đến đâu đồng chí cũng thăm nghèo hỏi khổ và ba cùng với xã viên. Đồng chí đã phát hiện 84 luồng gió, 1.600 gò cát, và các khe suối, đường sá, cầu cống, và đã tự tay vẽ rõ thành những bản đồ. Đồng chí đã trông thấy những kiểu mẫu tốt trong nhân dân. Thí dụ:

- Ở thôn Hàn, vụ mùa bị mất sạch. Xã viên đi cắt cỏ bán để tự túc chứ không xin Nhà nước giúp. Họ nói: "mình không giúp Nhà nước xây dựng, đã không yên tâm yên lòng, quyết không thể đòi hỏi Nhà nước giúp mình".

- Xã viên Tần Trại đã ra sức đào hết lớp đất chua mặn, moi đất tốt ở dưới phủ lên mặt ruộng. Họ bảo nhau "dù khó khăn đến mấy, chúng ta cũng quyết lật cho kỳ hết lớp đất chua mặn".

- Thôn Song Dương Thụ bị mất mùa nặng. Họ vẫn kiên quyết đùm bọc lấy nhau, bán lợn, bán gà góp chung tiền mua bò cày, thóc giống. Họ nói: "Chúng ta nghèo cùng nghèo với nhau, giàu cùng giàu với nhau, quyết không rời tập thể".

Theo đúng đường lối của Đảng là: phát động quần chúng, học tập quần chúng, dựa vào quần chúng, đồng chí Tiêu tổng kết những kinh nghiệm tốt đó và khuyến khích xã viên trong cả huyện noi theo.

Công việc tiêu diệt ba tai nạn đang tiến lên sôi nổi, thì Lan Khảo lại gặp một thử thách nữa: mùa thu năm 1963, trời mưa tầm tã suốt 13 đêm ngày; 22.000 hécta lúa bị lụt ngập hỏng. Huyện ủy chỉ thị cho toàn thể cán bộ ở nông thôn phải phụ trách cứu nhân dân, cứu súc vật. Sắp xếp nghề phụ cho xã viên sản xuất. Toàn thể đảng viên phải đồng cam cộng khổ với nhân dân.

Kế hoạch xây dựng Lan Khảo mạnh mẽ tiến lên, thì năm 1965 Lan Khảo bị hạn suốt hai tháng rưỡi. Từ mùa đông 1964 đến mùa xuân 1965 có 72 trận gió to. Mùa thu 1965 có lụt. Tuy vậy Lan Khảo không bị mất mùa.

Dù bệnh đau gan ngày càng nặng, đồng chí Tiêu không chịu rời cán bộ và nhân dân Lan Khảo, không chịu rời công tác để vào nhà thương. Cuối cùng, cấp trên phải chỉ thị bắt buộc đồng chí đi trị bệnh. Tháng 5-1964, đồng chí qua đời, thọ 42 tuổi.

Cuộc đời dù ngắn ngủi, đồng chí Tiêu đã đưa hết tinh thần và lực lượng để làm tròn nhiệm vụ Đảng đã giao phó cho. Đồng chí đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân xây dựng Lan Khảo ngày càng đổi mới. Sau ba năm phấn đấu gian khổ, từ một huyện thiếu ăn, Lan Khảo đã tự túc về lương thực. Đời sống của xã viên đã được cải thiện nhiều. Mấy năm trước đây, Lan Khảo là một huyện nghèo khổ. Hiện nay, nhân dân Lan Khảo đã tự lực cánh sinh, ngày càng giàu có trong chủ nghĩa xã hội.

LÊ NÔNG

-------------------

Báo Nhân Dân, số 4448, ngày 11-6-1966, tr.3

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.