Hiện nay ở miền Bắc nước ta đang có phong trào tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp. Kinh nghiệm hợp tác hóa nông thôn của các nước anh em sẽ giúp ích cho chúng ta nhiều. Hồi tháng 11, báo Nhân Dân đã đăng mấy bài về kinh nghiệm Triều Tiên. Hôm nay, tôi xin lược dịch bài báo cáo của đồng chí Mao Trạch Đông (tháng 7-1955) và nghị quyết của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (tháng 10-1955) về phong trào hợp tác hóa nông nghiệp để các đồng chí ta nghiên cứu. Đồng chí Mao nói đại ý như sau:
Từ tháng 7-1955, nông thôn Trung Quốc sắp có cao trào hợp tác hóa. Ngoài việc sửa chữa những sai lầm như: từ chối không để bần nông vào hợp tác xã, không chiếu cố đến sự khó khăn của bần nông; hoặc gò ép trung nông lớp trên vào hợp tác xã, xâm phạm đến lợi ích của họ... Đảng đã huấn luyện nhiều cán bộ, phái họ về nông thôn để chỉ đạo và giúp việc vận động hợp tác hóa. Cố nhiên, trong cuộc vận động, những cán bộ ấy mới học được các công tác một cách thiết thực. Chỉ lên lớp huấn luyện, nghe giáo viên giảng mấy bài, cũng chưa chắc hiểu biết mọi công tác thiết thực.
Để đi lên chủ nghĩa xã hội, cần phải hợp tác hóa nông thôn
Ở Trung Quốc, mức sản xuất lương thực và nguyên liệu còn rất thấp, mà Nhà nước thì cần những thứ ấy càng ngày càng tăng - đó là một mâu thuẫn rất sâu sắc. Nếu trong ba kế hoạch năm năm mà không căn bản giải quyết vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp (nông nghiệp từ chỗ dùng sức trâu bò và kinh doanh nhỏ tiến đến dùng máy móc và kinh doanh to, kể cả 26 triệu mẫu tây do Nhà nước vỡ hoang), thì không thể giải quyết được mâu thuẫn ấy; và do đó mà không thể hoàn thành công nghiệp hóa theo chủ nghĩa xã hội.
Để hoàn thành công nghiệp hóa và cải tạo kỹ thuật nông nghiệp, thì cần có nhiều tiền vốn; mà một phần khá lớn tiền vốn ấy phải do nông nghiệp tích trữ mới có. Ngoài thuế nông nghiệp, Nhà nước phải phát triển công nghiệp nhẹ, để đổi cho nông dân mà lấy lương thực và nguyên liệu. Như thế, vừa thỏa mãn được nhu cầu của Nhà nước và của nông dân, vừa tích trữ tiền vốn cho Nhà nước xây dựng. Công nghiệp nhẹ không thể phát triển trên một nền tảng kinh tế nông nghiệp nhỏ, mà phải phát triển trên một nền tảng nông nghiệp to, tức là nông nghiệp hợp tác hóa. Vì nông nghiệp có hợp tác hóa thì nông dân mới tăng sức mua lên nhiều.
Hợp tác hóa nông nghiệp và công nông liên minh
Ở Trung Quốc, công nông liên minh đã xây dựng trên nền tảng cách mạng dân chủ mới, chống đế quốc và chống phong kiến, lấy ruộng đất địa chủ chia cho nông dân, giải phóng nông dân ra khỏi ách phong kiến.
Nay cách mạng ấy đã thành công rồi, chế độ phong kiến đã bị tiêu diệt rồi. Ở nông thôn chỉ còn lại chế độ sở hữu tư bản của phú nông và chế độ sở hữu cá thể của hàng trăm triệu nông dân. Mấy năm gần đây, ở nông thôn, chủ nghĩa tư bản tự phát ngày thêm nhiều, nơi nào cũng có phú nông mới; trung nông lớp trên ra sức biến thành phú nông. Một số bần nông thì thiếu tư liệu sản xuất, vẫn cứ nghèo khổ, có người mắc nợ, có người phải bán ruộng.
Nếu để tình hình ấy phát triển mãi thì sự phân hóa ở nông thôn sẽ càng ngày càng nghiêm trọng. Những nông dân mất ruộng đất và những nông dân nghèo khổ sẽ oán Đảng, họ sẽ cho rằng Đảng không giúp đỡ họ giải quyết tình trạng nghèo nàn.
Những trung nông lớp trên đang phát triển theo hướng chủ nghĩa tư bản cũng oán Đảng, vì không đi theo con đường tư bản thì không bao giờ thỏa mãn sự mong muốn của họ.
Nếu như vậy, thì liên minh công nông không thể củng cố được. Đảng phải giải quyết vấn đề công nông liên minh trên một nền tảng mới; tức là phải thực hiện dần công nghiệp hóa theo chủ nghĩa xã hội, cải tạo thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư nhân theo chủ nghĩa xã hội; thực hiện từng bước hợp tác hóa nông nghiệp, làm cho toàn thể nông dân lao động được đầy đủ ấm no.
Đến cuối mùa xuân năm 1958, Trung Quốc sẽ có độ 55 triệu nông hộ (gồm có một nửa tổng số nhân khẩu nông thôn) vào hợp tác xã có tính chất nửa chủ nghĩa xã hội. Ở một số tỉnh và ở nhiều huyện sẽ căn bản hoàn thành cải tạo nông nghiệp, nửa chủ nghĩa xã hội. Một số hợp tác xã cũ sẽ từ nửa xã hội chủ nghĩa tiến lên chủ nghĩa xã hội hoàn toàn.
Độ đến năm 1960, một nửa số nông hộ còn lại sẽ hoàn thành cải tạo nửa xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, số hợp tác xã nửa chủ nghĩa xã hội tiến lên chủ nghĩa xã hội càng nhiều thêm.
Trong thời kỳ kế hoạch năm năm thứ nhất và thứ hai, ở nông thôn vẫn lấy cải cách xã hội làm chính và cải cách kỹ thuật làm phụ.
Đến kế hoạch năm năm thứ ba, cải cách xã hội và cải cách kỹ thuật sẽ song song cùng tiến. Từ năm 1960 về sau, sẽ chia từng bước và từng thời kỳ do nửa xã hội chủ nghĩa phát triển thành chủ nghĩa xã hội hoàn toàn.
Vì điều kiện kinh tế của Trung Quốc, có lẽ từ 20 đến 25 năm cải cách kỹ thuật mới căn bản hoàn thành khắp cả nước.
Kế hoạch phải toàn diện, lãnh đạo phải tăng cường
Phải có kế hoạch hợp tác hóa từng đợt cho cả nước, cả tỉnh, cả huyện và mỗi xã. Phải căn cứ theo tình hình thực tế mà luôn luôn uốn nắn kế hoạch cho thật đúng. Các cấp Đảng và Đoàn Thanh niên phải thiết thực cải tiến công tác lãnh đạo của mình. Các cấp Đảng ủy và Đoàn Thanh niên phải đi sâu nghiên cứu công tác hợp tác hóa. Nói tóm lại, phải chủ động, chớ bị động; phải tăng cường lãnh đạo, chớ buông lỏng lãnh đạo.
Phải tránh những hiện tượng lệch lạc như sau: Trong lúc phong trào hợp tác hóa phát triển, có những nơi không nắm vững tình hình mới, không tăng cường lãnh đạo, cho nên đã có những hiện tượng lệch lạc, thí dụ:
Tỉnh Hắc Long Giang đã có những hợp tác xã toàn là trung nông tổ chức với nhau, không chịu kết nạp bần nông vào hợp tác xã; có nơi tranh nhau cốt cán, tranh nhau xã viên, làm mất đoàn kết; có nơi nhắm mắt tập trung cốt cán; phú nông và trung nông lớp trên nhân dịp đó mà tổ chức hợp tác xã cấp thấp hoặc hợp tác xã phú nông...
Để sửa chữa những sai lầm ấy, để toàn diện thực hiện chính sách của Đảng, để hợp tác xã phát triển đúng đắn - cần phải xuất phát từ phạm vi toàn xã và đẩy mạnh hợp tác hóa tiến lên toàn diện. Tức là đã phải tính đến mở rộng những hợp tác xã cũ, lại phải nghĩ đến xây dựng hợp tác xã mới; đã phải nghĩ đến phát triển hợp tác xã, lại phải nghĩ đến nâng cao tổ đổi công; đã phải nghĩ đến năm nay, lại phải nghĩ đến năm sau và năm sau nữa.
Phải nắm vững kế hoạch, phải toàn diện thực hành đường lối của Đảng đối với giai cấp ở nông thôn, tăng cường đoàn kết bần nông và trung nông, mở rộng đấu tranh chống khuynh hướng phú nông. Phải phân phối lực lượng cốt cán một cách đúng đắn. Phải điều chỉnh và thắt chặt mối quan hệ giữa các hợp tác xã với nhau, giữa hợp tác xã và các tổ đổi công. Phải làm cho chi bộ xã và Đoàn Thanh niên hiểu rõ cần lãnh đạo thế nào, hợp tác xã cũ cần phát triển thế nào, hợp tác xã cần xây dựng thế nào, tổ đổi công cần nâng cao thế nào. Phải làm thế nào để phát huy tính tích cực và chủ động của chi bộ và quần chúng, phải dựa hẳn vào kinh nghiệm và sáng kiến của chi bộ và của quần chúng. Như vậy, đã tránh được nóng vội mạo hiểm, lại ngăn ngừa được xu hướng bảo thủ, buông trôi.
Cần nhắc lại rằng phương châm của Đảng là: kế hoạch phải toàn diện, lãnh đạo phải tăng cường.
Đảng quy định thực hiện hợp tác hóa nông nghiệp như thế nào
1- Chuẩn bị trong vòng 18 năm căn bản hoàn thành kế hoạch hợp tác hóa.
Từ năm 1949 đến năm 1952, cần hoàn thành việc khôi phục kinh tế. Trong mấy năm đó, ngoài việc cải cách ruộng đất và khôi phục nông nghiệp, Đảng đã phát triển phong trào tổ đổi công ở những vùng giải phóng cũ, và bắt đầu tổ chức một số hợp tác xã nông nghiệp loại thấp để rút kinh nghiệm. Từ năm 1953 (bắt đầu kế hoạch năm năm thứ nhất) đầu năm 1955, trong ba năm đó việc hợp tác hóa đã mở rộng khắp cả nước, kinh nghiệm đã nhiều thêm.
Từ năm 1949 đến cuối kế hoạch năm năm thứ ba (tức là 18 năm) Đảng chuẩn bị hoàn thành căn bản công nghiệp hóa theo chủ nghĩa xã hội, căn bản hoàn thành cải tạo thủ công nghiệp, công thương nghiệp tư bản tư nhân và nông nghiệp theo chủ nghĩa xã hội.
Ở Liên Xô, từ năm 1921 đến năm 1937 (là 17 năm) thì hoàn thành hợp tác hóa nông nghiệp; nhưng chủ yếu là từ năm 1929 đến năm 1934 (6 năm) thì căn bản hoàn thành. Cũng trong thời gian ấy, Liên Xô đã cải tạo kỹ thuật một cách rộng rãi.
2- Trung Quốc hợp tác hóa theo cách tiến dần từng bước.
Bước 1: kêu gọi nông dân theo nguyên tắc tự nguyện và đều có lợi, tổ chức những tổ đổi công chỉ có mầm mống xã hội chủ nghĩa, mỗi tổ chừng mười hộ.
Bước 2: vẫn theo nguyên tắc tự nguyện và đều có lợi, và trên nền tảng tổ đổi công, kêu gọi nông dân tổ chức những hợp tác xã nhỏ có tính chất nửa xã hội chủ nghĩa với đặc điểm là góp chung ruộng đất, thống nhất kinh doanh.
Bước 3: trên nền tảng hợp tác xã nhỏ và nửa xã hội chủ nghĩa, vẫn giữ nguyên tắc tự nguyện và đều có lợi, kêu gọi nông dân liên hợp những hợp tác xã nhỏ thành hợp tác xã to có tính chất xã hội chủ nghĩa hoàn toàn.
Đi những bước như vậy, để cho nông dân do kinh nghiệm bản thân của họ mà nâng cao dần trình độ giác ngộ xã hội chủ nghĩa, thay đổi dần cách sinh hoạt của họ, mà không cảm thấy biến đổi một cách quá đột ngột.
Tháng 7-1955, Trung Quốc đã có 650.000 hợp tác xã nông nghiệp. Trong số đó, hơn 80% đều tăng sản lượng. Độ 10%, sản lượng không tăng không giảm. Có mấy hợp tác xã sản lượng bị giảm. Sản lượng không tăng, thậm chí bị giảm là hợp tác xã không tốt, cần phải ra sức chỉnh đốn lại.
Hơn 80% hợp tác xã tăng sản lượng từ 10 đến 30%.
10% hợp tác xã năm đầu không tăng không giảm sản lượng, sau khi chỉnh đốn, đến năm thứ hai đã tăng.
Mấy hợp tác xã năm đầu sản lượng bị giảm, sau được chỉnh đốn lại, cũng đã tăng.
Nói chung, hợp tác hóa như vậy là tốt. Đảm bảo tăng sản lượng, ra sức tránh giảm sản lượng, đó là một lớp huấn luyện rất tốt cho cán bộ. Trải qua những công tác ấy, có thể đào tạo ra nhiều cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật cho hợp tác xã.
3- Mỗi năm phải theo tình hình thực tế mà định ra con số phát triển hợp tác xã. Và phải kiểm tra nhiều lần công tác hợp tác hóa, để biết rõ tỉnh nào, huyện nào, xã nào thành tích tốt hay là kém mà quyết định con số phát triển một cách chắc chắn. Có nơi vừa phát triển vừa chỉnh đốn. Có nơi phải tạm đình phát triển để chỉnh đốn. Cũng có một số hợp tác xã kém quá thì tạm thời để cho họ giải tán. Có nơi nên lập nhiều hợp tác xã mới. Có nơi chỉ phát triển thêm nông hộ ở các hợp tác xã cũ.
Sau một đợt phát triển, cần phải đình chỉ một thời gian để chỉnh đốn; chỉnh đốn xong lại phát triển đợt khác.
Từ Trung ương đến các tỉnh, các huyện, các xã đều phải nắm chắc công tác kiểm tra. Mỗi năm phải kiểm tra mấy lần. Hễ thấy vấn đề thì phải giải quyết ngay. Phải phê bình kịp thời, chớ để việc qua rồi mới phê bình. Làm như vậy sẽ đỡ mắc sai lầm, và nếu phạm sai lầm thì kịp thời sửa chữa.
Nói tóm lại, hợp tác hóa phải tiến dần từng bước, chống tư tưởng bảo thủ, đồng thời chống tư tưởng nóng vội.
Lịch sử của phong trào hợp tác hóa ở Trung Quốc
Trước ngày giải phóng, trong 22 năm đấu tranh cách mạng, Đảng Cộng sản đã có kinh nghiệm: Sau cải cách ruộng đất, Đảng đã lãnh đạo nông dân tổ chức những đoàn thể như đội cày ruộng, tổ đổi công ở Hoa Đông và Hoa Bắc. Những tổ chức ấy đã có mầm mống xã hội chủ nghĩa. Lúc đó, đôi nơi cũng đã có hợp tác xã nông nghiệp với tính chất nửa xã hội chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.
Sau ngày giải phóng, Đảng đã lãnh đạo nông dân tổ chức rất nhiều tổ đổi công; và trên nền tảng tổ đổi công xây dựng nhiều hợp tác xã nông nghiệp. Công việc ấy làm đến nay (tháng 7-1955) đã được sáu năm.
Tháng 12-1951, Trung ương Đảng đã có một dự thảo nghị quyết về việc làm thí điểm những tổ đổi công và hợp tác xã nông nghiệp ở các nơi. Lúc đó cả nước có hơn 300 hợp tác xã nông nghiệp. (Đến tháng 3-1953, nghị quyết này mới chính thức công bố).
Tháng 12-1953 khi Trung ương công bố bản nghị quyết về hợp tác xã nông nghiệp, cả nước đã có 14.000 hợp tác xã.
Bản nghị quyết ấy quy định: Từ mùa đông năm 1953 đến mùa thu năm 1954 sẽ phát triển đến 35.800 hợp tác xã (tức là tăng gấp một lần rưỡi). Những kết quả đã tăng đến 100.000 (so với năm 1953 tăng hơn bảy lần).
Tháng 10-1954, Trung ương quyết định sang năm 1955, sẽ phát triển đến 600.000 hợp tác xã, kết quả đã tăng đến 670.000 hợp tác xã.
Tháng 6-1955, trải qua bước đầu chỉnh đốn, đã giảm đi 20.000 hợp tác xã, còn lại 650.000 gồm có 16.900.000 nông hộ bình quân mỗi hợp tác xã có 26 hộ.
Đại đa số hợp tác xã ấy đều ở những vùng đã được giải phóng sớm hơn, ở những tỉnh khác thì số hợp tác xã còn ít.
Nói chung, những hợp tác xã ấy đều thuộc cấp thấp. Nhưng cũng có một số thuộc cấp cao gồm từ 70 đến 100 hộ. Một vài hợp tác xã đặc biệt, có đến vài trăm hộ.
Hồi đó, Trung Quốc đã có những nông trường quốc doanh. Định đến năm 1957 Nhà nước sẽ có 3.038 nông trường, gồm 1.125.000 mẫu tây ruộng đất. Trong số đó, 141 nông trường đã dùng máy móc. Dự định đến kế hoạch 5 năm thứ hai và thứ ba, nông trường quốc doanh sẽ mở thêm nhiều hơn nữa.
Cuối mùa xuân năm 1955, Trung ương quyết định đến mùa thu năm 1956 sẽ phát triển đến một triệu hợp tác xã nông nghiệp. Có thể tăng đến 1.300.000.
Như thế là ngoài những khu vực biên giới, thì mỗi hương (một hương to bằng liên xã Việt Nam ta) đều có một hoặc vài hợp tác xã loại nhỏ với tính chất nửa xã hội chủ nghĩa - để làm kiểu mẫu. Sau một vài năm, những hợp tác xã này sẽ có kinh nghiệm và trở nên xã cũ, người khác sẽ học làm theo. Cán bộ phụ trách các tỉnh và các huyện phải nghiên cứu kỹ và đặt kế hoạch đầy đủ, trong hai tháng phải báo cáo lên Trung ương để thảo luận lại và quyết định.
Đồng chí Mao nói: Cố nhiên, đưa hơn 110 triệu nông hộ từ chỗ làm ăn riêng lẻ đến chỗ làm ăn tập thể và hoàn thành cải cách kỹ thuật nông nghiệp, nhất định sẽ có nhiều khó khăn. Nhưng cần phải tin tưởng rằng Đảng có thể lãnh đạo quần chúng khắc phục những khó khăn đó.
Để hợp tác hóa, chúng ta nên tin vào hai điều:
1- Vì kinh tế của họ còn khó khăn cho nên bần nông và trung nông lớp dưới tích cực đi theo chủ nghĩa xã hội; họ tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng về hợp tác hóa; nhất là những phần tử giác ngộ đã cao thì tính tích cực ấy càng nhiều hơn.
2- Đảng có đủ năng lực để lãnh đạo nhân dân cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Đảng đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi cuộc cách mạng dân chủ nhân dân, lập nên chuyên chính dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo; thì Đảng nhất định lãnh đạo được nhân dân cả nước - trong vòng ba kế hoạch 5 năm - căn bản hoàn thành công nghiệp hóa theo chủ nghĩa xã hội, cải tạo nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư nhân theo chủ nghĩa xã hội.
Về nông nghiệp cũng như các ngành kinh tế khác, Đảng có đủ chứng cớ mạnh mẽ để thuyết phục mọi người rằng:
Đợt thứ nhất có 300 hợp tác xã.
Đợt thứ hai có 13.700 hợp tác xã.
Đợt thứ ba có 86.000 hợp tác xã.
Cộng cả ba đợt là 100.000 hợp tác xã đã được xây dựng trước mùa thu năm 1954, và đã được củng cố. Vì vậy:
Đợt thứ tư sẽ có 550.000 hợp tác xã (từ 1954 đến 1955).
Đợt thứ năm thêm 350.000 hợp tác xã (từ 1955 đến 1956), (đó là con số tạm định). Những hợp tác xã ấy nhất định củng cố được.
Tin vào quần chúng, tin vào Đảng, đó là hai nguyên lý căn bản trong công tác hợp tác hóa.
- Phải ra sức chỉnh đốn những hợp tác xã đã có để hoàn thành từng bước hợp tác hóa cả nước.
- Cần phải đặc biệt chú ý chất lượng của hợp tác xã. Phải chống xu hướng sai lầm chỉ tham số lượng mà không chú ý đến chất lượng.
Chỉnh đốn hợp tác xã không phải chỉ làm một lần là đủ, mà phải làm hai, ba lần.
Những hợp tác xã đã được chỉnh đốn và củng cố sẽ làm đầu tàu cho những hợp tác xã khác.
Chỉ giải tán những hợp tác xã mà tất cả xã viên hoặc hầu hết xã viên đều kiên quyết muốn giải tán.
Nếu chỉ có một số xã viên muốn rút lui, thì để cho họ ra khỏi xã; còn đại đa số xã viên khác cứ tiếp tục làm hợp tác xã. Nếu đại đa số xã viên muốn rút lui chỉ có một số ít muốn ở lại, thì để cho số kia rút lui, những người muốn ở lại cứ tiếp tục làm hợp tác xã; vì ý chí của những người muốn ở lại hợp tác xã sẽ là ý chí của nông dân cả nước. Tất cả những nông dân làm ăn riêng lẻ chung quy rồi cũng phải đi vào con đường hợp tác hóa.
Trước sự thắng lợi của hợp tác hóa, có hai hiện tượng không tốt cần phải sửa chữa ngay:
Một là thắng lợi làm cho choáng váng đầu óc của cán bộ, rồi phạm sai lầm “tả”.
Hai là thắng lợi làm cho tê liệt đầu óc của cán bộ, rồi phạm sai lầm hữu.
Trước khi xây dựng hợp tác xã cần phải chuẩn bị rất kỹ càng
Ngay từ đầu, phải chú trọng chất lượng của hợp tác xã. Phải phản đối xu hướng chỉ tham số lượng nhiều.
Khẩu hiệu của Đảng trong thời kỳ chiến tranh cách mạng là: “Không đánh những trận không có chuẩn bị đầy đủ; không đánh những trận không nắm chắc thắng lợi”. Trong công việc xây dựng hợp tác xã, xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng cần áp dụng khẩu hiệu ấy. Muốn nắm chắc thắng lợi thì nhất định phải chuẩn bị đến nơi đến chốn. Muốn xây dựng thêm hợp tác xã mới thì trước phải có những công tác chuẩn bị như sau:
1- Phê phán những tư tưởng sai lầm, tổng kết những kinh nghiệm công tác.
2- Tuyên truyền một cách có hệ thống và nhắc đi nhắc lại cho quần chúng nông dân hiểu rõ những phương châm, chính sách và biện pháp của Đảng về hợp tác xã. Khi tuyên truyền, không những giải thích những kết quả tốt đẹp sau này của hợp tác hóa, mà cũng phải nói rõ những khó khăn cho nông dân chuẩn bị tinh thần đầy đủ để khắc phục khó khăn.
3- Căn cứ vào tình hình thực tế mà định ra kế hoạch toàn diện phát triển hợp tác xã cho cả tỉnh, cả huyện và cả xã; rồi dựa vào đó mà đặt kế hoạch phát triển cho mỗi năm.
4- Mở lớp huấn luyện ngắn ngày cho cán bộ về cách thức tổ chức hợp tác xã.
5- Đẩy mạnh phát triển tổ đổi công, và tùy khả năng mà xây dựng những liên tổ làm nền tảng tiến lên hợp tác xã.
Phải làm tốt những việc ấy thì mới căn bản giải quyết được chất lượng và số lượng của hợp tác xã.
Hợp tác xã củng cố được hay là không, điều thứ nhất là do chuẩn bị tốt hay là không tốt điều thứ hai là do sau khi đã tổ chức, chỉnh đốn tốt hay là không tốt.
Xây dựng cũng như chỉnh đốn hợp tác xã, phải dựa vào chi bộ Đảng và phân đoàn thanh niên. Vì vậy công việc xây dựng và chỉnh đốn hợp tác xã phải gắn chặt với công việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng và Đoàn ở nông thôn.
Vô luận công tác nào cũng phải do chi bộ xã và Đảng ủy huyện làm chủ lực. Cán bộ cấp trên phái về thì ra sức giúp đỡ, chứ không bao biện, không làm thay.
Hợp tác xã phải sản xuất tốt
Hợp tác xã phải cố gắng sản xuất tốt hơn tổ đổi công và nông dân riêng lẻ. Nếu chỉ sản xuất ngang mức như họ, thì hợp tác xã sẽ thất bại, vì người ta sẽ nói: “Hợp tác xã như thế có ích gì?”. Sự thật thì trong số 650.000 hợp tác xã, hơn 80% đã sản xuất hơn các tổ đổi công, càng hơn hẳn những nông dân riêng lẻ.
Để nâng cao sản xuất, hợp tác xã phải làm đúng những việc sau đây:
1- Giữ vững nguyên tắc tự nguyện và đều có lợi.
2- Quản lý tốt (kế hoạch sản xuất, quản lý sản xuất, tổ chức lao động...).
3- Cải tiến kỹ thuật (cày sâu bừa kỹ, cải tiến nông cụ, chọn thóc giống tốt, diệt chuột trừ sâu, làm tiểu thủy lợi...).
4- Tăng thêm tư liệu sản xuất (phân bón, trâu bò, nông cụ...). Đó là những điều kiện rất cần để củng cố hợp tác xã và đảm bảo nâng cao năng suất.
Giữ vững nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi
Để giữ vững nguyên tắc tự nguyện và cùng có lợi, thì phải giải quyết đúng đắn những vấn đề như:
Trâu bò và nông cụ lớn phải chăng nên chờ một vài năm sẽ nhập vào hợp tác xã.
Chia phần cho ruộng đất và cho sức lao động thế nào cho thích hợp.
Xây dựng tiền vốn cho hợp tác xã bằng cách gì.
Một bộ phận xã viên nào đó phải chăng có thể dùng một phần sức lao động của họ vào nghề phụ.
Mỗi xã viên có thể giữ lại bao nhiêu đất để tự mình họ trồng trọt.
Thành phần xã viên.
Về thành phần xã viên: ở những vùng mới xây dựng hợp tác xã, trước tiên nên tổ chức những người tích cực trong tầng lớp bần nông và trung nông lớp dưới.
Không nên miễn cưỡng lôi kéo vào hợp tác xã những phần tử chưa tích cực, chờ đến khi họ giác ngộ hơn, họ có hứng thú hơn đối với hợp tác xã, sẽ kết nạp họ vào. Đối với họ cần phải có một thời gian tuyên truyền giáo dục, phải bền lòng chờ họ giác ngộ hơn, không nên làm trái nguyên tắc tự nguyện mà miễn cưỡng lôi cuốn họ vào hợp tác xã.
Đối với trung nông lớp trên - có thể nhận vào hợp tác xã những người đã giác ngộ xã hội chủ nghĩa và thật thà tự nguyện xin vào. Còn những người khác thì tạm thời hẵng chưa nên nhận vào hợp tác xã, càng không nên miễn cưỡng lôi kéo họ vào. Đến khi họ thấy đại đa số nông dân đã vào hợp tác xã và sản lượng của hợp tác xã ngang với của họ hoặc cao hơn của họ, khi họ thấy rằng vào hợp tác xã có lợi hơn làm ăn riêng lẻ, lúc đó họ sẽ quyết tâm vào hợp tác xã.
Thế là: trước hết phải tùy theo trình độ giác ngộ của nông dân mà chia từng đợt tổ chức những bần nông và trung nông lớp dưới (họ chiếm 60 đến 70% số người ở nông thôn) vào hợp tác xã. Sau đó mới tổ chức những trung nông lớp trên. Làm như vậy sẽ tránh được những sai lầm mệnh lệnh.
Trong vài năm đầu, phải kiên quyết không để địa chủ cũ và phú nông vào hợp tác xã. Khi hợp tác xã đã thật vững vàng, thì có thể chia từng nhóm và từng thời kỳ nhận vào hợp tác xã những người đã không bóc lột nữa, đã thật sự lao động, và tuân theo pháp luật của Chính phủ. Như thế để cho họ tham gia lao động tập thể và tiếp tục cải tạo.
60 đến 70% số người ở nông thôn là nông dân nghèo khó. Để thoát khỏi nghèo nàn, để cải thiện đời sống, họ không có con đường nào khác là con đường chủ nghĩa xã hội.
20 đến 30% là trung nông lớp trên. Họ còn chờ đợi, có người đang muốn đi theo con đường chủ nghĩa tư bản. Vì giác ngộ chưa cao, cho nên cũng có một số bần nông và trung nông lớp dưới tạm thời còn lừng chừng; nhưng so với trung nông lớp trên thì họ dễ tiếp thu chủ nghĩa xã hội hơn.
Căn cứ vào bản báo cáo của đồng chí Mao Trạch Đông, Hội nghị Trung ương mở rộng đã thông qua một bản nghị quyết (tháng 10-1955) nhấn mạnh mấy điểm [1]:
Phát triển hợp tác hóa nông thôn là một cuộc đấu tranh trên hai con đường: nông nghiệp sẽ phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa hay là theo con đường tư bản chủ nghĩa? Tuyệt đại đa số nông dân chắc chắn muốn theo con đường xã hội chủ nghĩa để thoát khỏi tình trạng nghèo nàn. Con đường xã hội chủ nghĩa là nhiều người đoàn kết và tổ chức nhau lại, cùng nhau lao động, làm ăn tập thể. Như thế, mới có đủ lực lượng để chống lại thiên tai, để cải tiến kỹ thuật, nông dân sẽ được lợi rất nhiều, rất to.
Để đạt mục đích đó, thì phải không ngừng giáo dục nông dân. Không ngừng giáo dục và thuyết phục trung nông, giúp họ khắc phục tư tưởng lừng chừng dao động giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Trung nông là bạn đồng minh lâu dài của giai cấp công nhân và của bần nông, cho nên phải đoàn kết chặt chẽ với trung nông.
Muốn xây dựng hợp tác xã cần phải chuẩn bị thật đầy đủ: xây dựng nhiều tổ đổi công, theo nguyên tắc tự nguyện mà họp những tổ nhỏ thành những liên tổ to làm nền tảng để tiến lên hợp tác xã.
Các tổ đổi công và các hợp tác xã cần phải đoàn kết giúp đỡ nhau.
Cần phải lựa chọn cẩn thận một số cán bộ, huấn luyện họ và phái họ về giúp vào cuộc vận động hợp tác hóa nông thôn.
Trong phong trào hợp tác hóa, phát triển và củng cố phải kết hợp chặt chẽ với nhau. Công việc ấy lại phải kết hợp chặt chẽ với công việc kiện toàn chi bộ đảng và đoàn thanh niên ở xã.
Khi đã thành lập hợp tác xã, những vấn đề sau đây phải được giải quyết thật hợp lý: chia phần cho ruộng đất và chia phần cho sức lao động thế nào?
Xã viên có thể giữ lại bao nhiêu đất để làm vườn rau? (lúc đó Trung Quốc định từ 2 đến 5% số ruộng đất của xã viên).
Đối với trâu bò, nông cụ, nghề phụ, giải quyết thế nào?
Tiền vốn và tiền tích trữ của hợp tác xã nên thế nào cho đúng mức?
Tiền chi cho công việc văn hóa xã hội trong hợp tác xã (Trung Quốc định 1% tổng số thu nhập của hợp tác xã).
Hợp tác xã phải cố gắng nâng cao không ngừng mức sản xuất.
Nên thực hiện khẩu hiệu “Cần kiệm để xây dựng hợp tác xã”. Khuyến khích các xã viên tiết kiệm, hùn thêm vốn để phát triển hợp tác xã thêm mãi.
Giáo dục xã viên giữ vững kỷ luật lao động, chống lãng phí, tham ô.
Đối với xã viên, cần luôn luôn tăng cường giáo dục chính trị và văn hóa; nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa của mỗi xã viên.
Nội bộ phải đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau; quản lý phải dân chủ, phải tổ chức thi đua lao động.
Ngân hàng Nhà nước, Mậu dịch quốc doanh, Bộ Nông lâm, các nhà máy... phải có trách nhiệm giúp đẩy mạnh và củng cố phong trào hợp tác hóa nông thôn.
Hợp tác hóa là một cuộc đấu tranh giai cấp, một cuộc đấu tranh gay gắt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Vì vậy, phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, đề phòng bọn phá hoại.
Các cấp lãnh đạo phải có kế hoạch thiết thực để thực hiện hợp tác hóa từng đợt trong cả nước, trong mỗi tỉnh, mỗi huyện và mỗi xã. Trung Quốc chia các địa phương làm ba loại:
Loại thứ nhất: Những nơi tiên tiến, đến mùa xuân năm 1957 thì độ 70 đến 80% tổng số nông hộ sẽ căn bản thực hiện hợp tác xã nửa xã hội chủ nghĩa.
Loại thứ hai: Đại đa số địa phương khác, thì đến mùa xuân năm 1958 sẽ căn bản hoàn thành hợp tác hóa nửa xã hội chủ nghĩa.
Loại thứ ba: Là những vùng biên giới thì sẽ dần dần làm sau.
Đảng ủy các cấp phải tổ chức một vài hợp tác xã loại cao làm thí điểm để rút kinh nghiệm. Và phải có kế hoạch đầy đủ, để phát triển từng bước và từng nhóm các hợp tác xã cấp thấp lên hợp tác xã cấp cao.
Khi làm kế hoạch các chi bộ và các huyện ủy phải đặt trọng tâm vào việc phát triển nông nghiệp. Phải nắm vững tình hình giai cấp ở nông thôn và trình độ giác ngộ của nông dân, phải bồi dưỡng cốt cán tốt. Như thế để ngăn ngừa bệnh cưỡng bức, mệnh lệnh.
Cán bộ lãnh đạo phải học hỏi quần chúng, để hiểu rõ tình hình, tổng kết kinh nghiệm, phát huy tính tích cực và sáng tạo của quần chúng. Phải hết sức tránh chủ quan, miễn cưỡng, nóng vội.
Bản nghị quyết kết luận: Nếu cán bộ “không biết mà không chịu học, ra mệnh lệnh lung tung, khi thì đi quá chậm, khi thì đi quá nhanh - như thế đều là trái với quy luật của thực tế phát triển; như thế là chủ quan, chứ không phải là chủ nghĩa Mác. Nếu không chống chủ nghĩa chủ quan, thì không thể lãnh đạo đúng đắn.
Lãnh đạo phải tôn trọng và phát huy ý chí tích cực và tinh thần sáng tạo của quần chúng, bảo vệ sự sinh trưởng của lực lượng mới. Khi sự vật mới trong xã hội vừa sinh ra, nếu không ra sức giúp đỡ, mà lại ngăn trở và đả kích nó, hoặc khi sự vật mới chưa chín muồi nếu không dùng phương pháp đúng đắn để giúp nó nảy nở, mà lại dùng những biện pháp nóng vội để miễn cưỡng thúc đẩy nó - như thế là làm hỏng những mầm mống mới, như thế đều là chủ nghĩa cơ hội, chứ không phải chủ nghĩa Mác. Không chống chủ nghĩa cơ hội thì không lãnh đạo được.
Hợp tác hóa là nhằm đưa 110 triệu nông hộ từ chỗ làm ăn riêng lẻ đến chỗ làm ăn tập thể, và tiến đến hoàn thành cải cách kỹ thuật nông nghiệp; nhằm tiêu diệt chế độ bóc lột còn sót lại, tức là chế độ tư bản, để xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa. Việc to lớn ấy quan hệ đến đời sống của hàng trăm triệu con người, nhất định sẽ có khó khăn. Trước sự khó khăn, những người phạm chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa cơ hội thiếu đầu óc sáng suốt và thiếu năng lực khắc phục khó khăn, vì họ không biết dựa vào quần chúng và dựa vào Đảng, hoặc là họ không tin vào quần chúng, và không tin vào Đảng. Nhưng Đảng là một đảng đã trải qua nhiều thử thách, là một đảng Mác - Lênin liên hệ rất chặt chẽ với quần chúng. Hơn 30 năm nay, trong công cuộc cách mạng, Đảng đã trải qua nhiều sóng gió gay go, gặp nhiều khó khăn nghiêm trọng; vì Đảng cùng quần chúng đoàn kết thành một khối, cho nên đã vượt qua tất cả mọi khó khăn, mà lãnh đạo nhân dân làm cách mạng thắng lợi.
Xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của hàng triệu con người. Việc đưa nước nhà đến công nghiệp hóa, việc hợp tác hóa nông nghiệp, và mọi việc khác, chúng ta đều phải phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của quần chúng, nắm vững thực tế, chớ nóng vội, chớ kiêu căng. Hội nghị Trung ương tin rằng: Làm được như vậy, thì chúng ta nhất định khắc phục được mọi khó khăn, và tiếp tục giành được những thắng lợi mới và to lớn”.
Đồng chí Trần Bá Đạt (Ủy viên Trung ương, là một trong những đồng chí phụ trách trong Bộ Công tác nông thôn ở Trung ương) đã vâng lệnh Bộ Chính trị, giải thích thêm bản nghị quyết của Trung ương. Đồng chí Trần nói đại ý như sau:
Xây dựng chủ nghĩa xã hội và cải tạo xã hội chủ nghĩa là bao gồm tất cả các ngành kinh tế của quốc dân. Nếu không tranh thủ 500 triệu nông dân tham gia xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng cách hợp tác hóa, thì chủ nghĩa xã hội không thể thắng.
Nếu chủ nghĩa xã hội không giành lấy mặt trận nông thôn, thì tất nhiên chủ nghĩa tư bản sẽ chiếm lĩnh mặt trận ấy. Không thể nói: Không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa, cũng không đi theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Kinh nghiệm thực tế đã chứng tỏ rằng: những vùng mà phong trào hợp tác hóa phát triển, thì kinh tế của bần nông ngày càng phát đạt thêm, giai cấp phân hóa ít, vấn đề lương thực được giải quyết tốt, nông thôn trở nên no ấm tươi vui.
Trái lại, những vùng mà tổ đổi công và hợp tác xã kém, thì địa chủ cũ, phú nông và bọn phản động lợi dụng tình trạng lạc hậu ấy để hoạt động.
Hợp tác hóa là một lực lượng mới. Bất kỳ lực lượng mới nào cũng gặp sự chống đối của lực lượng cũ, của lực lượng bảo thủ. Để đánh thắng lực lượng cũ, thì cần phải ra sức phát huy tính tích cực của quần chúng nông dân theo chủ nghĩa xã hội; đồng thời phải ra sức cải tạo và khắc phục tính lạc hậu của một số nông dân. Vô luận thế nào, không ai ngăn cản được một lực lượng mới, chung quy lực lượng mới nhất định thắng.
*
* *
Khi đã có phương châm rồi, điều chủ chốt là phải có biện pháp đầy đủ.
Phải giáo dục cán bộ biết phân tích tình hình cụ thể, theo điều kiện khác nhau, mà quy định nhiệm vụ và phương pháp công tác cho đúng với nơi đó và lúc đó.
Các cơ quan lãnh đạo của Đảng cần phải đưa hết tinh thần chủ động, tích cực, phấn khởi, vui vẻ mà nắm chặt lấy sự lãnh đạo trong tay mình.
Phải hết sức chú ý chất lượng của mỗi hợp tác xã.
Kế hoạch hợp tác hóa phải gắn chặt với kế hoạch tăng gia sản xuất, nhằm làm cho thu hoạch của xã viên được nâng cao, việc sản xuất được mở mang. Khi tổ chức hợp tác xã thì phải chuẩn bị ngay kế hoạch tăng gia sản xuất. Đồng thời cần phải căn cứ vào điều kiện thực tế của mỗi nơi mà nêu lên mục tiêu xây dựng lâu dài cho nông dân nhìn thấy mà phấn đấu.
Cần phải thấy trước và thấy rõ mọi khó khăn, để chuẩn bị khắc phục khó khăn, chứ không phải để trốn tránh khó khăn, càng không nên thấy khó khăn mà hoang mang, chùn bước. Phải tin chắc rằng Đảng có thể lãnh đạo nhân dân vượt được mọi khó khăn, đi đến thắng lợi.
*
* *
Thảo luận nghị quyết của Trung ương, đồng chí Lâm Minh, Bí thư Đảng ủy Cao Châu (tỉnh Sơn Đông) nói:
Để xây dựng tốt hợp tác xã, cán bộ phải kiên quyết đi đúng đường lối giai cấp ở nông thôn; phải dựa hẳn vào bần nông, thì mới củng cố được sự đoàn kết chặt chẽ với trung nông, và ngăn ngừa được bọn địa chủ cũ, phú nông và bọn phản động.
Cho rằng bần nông thường lười biếng, không có kinh nghiệm sản xuất, không biết quản lý; cho rằng bần nông không có trâu bò và nông cụ, nếu họ tham gia hợp tác xã thì sẽ ảnh hưởng đến sản xuất; cho rằng hiện giờ bần nông không hăng hái như hồi cải cách ruộng đất - như vậy là lầm to.
Vì sợ ảnh hưởng đến thu hoạch mà không nhận những người nông dân góa bụa cô đơn vào hợp tác xã, như vậy là sai lầm. Nếu khéo phân công, giao cho nông dân già yếu những công việc nhẹ, họ có thể làm được, và chiếu cố đến họ; nếu mỗi năm họ có thể làm bằng bốn năm mươi ngày công, và mỗi ngày công được độ mươi cân lương thực, như thế thì giải quyết được khó khăn cho họ.
Đồng chí Lâm Minh nêu mấy thí dụ cụ thể như sau:
- Hợp tác xã “Ái quốc”, có 16 hộ. Trong số đó có ba hộ trước kia phải đi ăn xin, 12 hộ thường phải xin cứu tế, chỉ một hộ trung nông có một con bò, thế mà vì tổ chức khéo, sau hai năm tất cả 16 hộ đều thừa lương thực.
- Ở Cao Châu có 19 hợp tác xã trong đó trung nông chiếm ưu thế. Những hợp tác xã này có rất nhiều vấn đề: xã viên tự tư tự lợi, thường lục đục và đòi ra khỏi hợp tác xã, không làm theo kế hoạch Nhà nước, không làm đúng kế hoạch thu mua, khai gian sản lượng, không nghe lời lãnh đạo, không cải tiến kỹ thuật; đất ruộng tốt và trâu bò nhiều, nhưng sản xuất vẫn không trội. Đảng vừa ra sức giáo dục, vừa đưa ra khỏi Đảng những đảng viên và cán bộ trung nông không chịu sửa chữa, vừa ra sức bồi dưỡng những người tích cực trong đám bần nông và trung nông lớp dưới, rồi đưa những phần tử tốt nhất vào Đảng để củng cố lực lượng mới của Đảng. Công tác giáo dục và chỉnh đốn ấy đã thu được kết quả rất tốt.
Và hợp tác hóa, cán bộ xã phải có kế hoạch rất cụ thể, đưa ra cho quần chúng bàn bạc và đồng ý. Đối với bần nông và trung nông lớp dưới, cần phải ra sức phát động tư tưởng của họ. Đối với trung nông lớp trên, phải nhắc đi nhắc lại chính sách tự nguyện và đều có lợi, để họ khỏi sợ bị cưỡng ép vào hợp tác xã ảnh hưởng đến sản xuất. Xã nào làm đúng như vậy, thì kết quả rất tốt. Xã nào làm qua loa, thì thất bại. Một thí dụ: xã Thành Tử chỉ tuyên bố chung chung trước đại hội quần chúng rằng năm nay 50% nông hộ trong xã sẽ hợp tác hóa. Ngay hôm sau, có chín hộ trung nông lớp trên đưa trâu đi bán. Sau phải giải thích mãi, họ mới yên tâm sản xuất.
Đảng ủy Cao Châu có những tiểu tô chuyên môn đi kiểm tra, để đảm bảo thành phần lãnh đạo đều là những người tích cực trong đảng viên, bần nông và trung nông lớp dưới. Đối với những hợp tác xã mà trung nông chiếm ưu thế trong lãnh đạo, thì Đảng ủy dùng hai cách.
1- Khi chỉnh đốn Đảng và chỉnh đốn hợp tác xã thì bồi dưỡng bần nông làm cốt cán; chờ đến điều kiện đã chín muồi thì bầu lại ban lãnh đạo.
2- Nhập hợp tác xã nọ với một hợp tác xã do đảng viên, đoàn viên và bần nông nắm ưu thế trong lãnh đạo trong khi hợp nhất, thì thay đổi ưu thế lãnh đạo của trung nông.
Một kinh nghiệm nữa của huyện Hy Thủy:
Đầu năm 1952, cả huyện mới có một hợp tác xã.
Đầu năm 1953, thêm hai hợp tác xã nữa.
Cuối năm 1953, thêm 97 hợp tác xã.
Đầu năm 1954 số hợp tác xã lên đến 100 cái.
Do Đảng lãnh đạo một cách toàn diện, việc giáo dục chủ nghĩa xã hội tiến hành một cách tích cực, các hợp tác xã thí điểm tổ chức tốt và làm ăn thịnh vượng, quần chúng nông dân thấy rõ tiền đồ tươi sáng của mình, cho nên mùa thu năm 1954, lên đến 867 hợp tác xã.
Theo kinh nghiệm Hy Thủy, thì cách giao khoán, khoán công việc, khoán chất lượng và khoán sản xuất là phương pháp tốt để khuyến khích xã viên tăng gia sản xuất.
Cấp lãnh đạo luôn luôn nâng cao tinh thần xã hội chủ nghĩa, làm cho xã viên thấm nhuần rằng tăng gia sản xuất không những vì lợi ích riêng của mình, của xã mình, mà cũng vì lợi ích chung của Nhà nước. Nhờ vậy, xã viên rất hăng hái. Kế hoạch sản xuất của hợp tác xã đã kết hợp chặt chẽ với kế hoạch của Nhà nước. Khi thu mua lương thực, bình quân mỗi hộ xã viên đã bán cho Nhà nước 610 kilô thóc, mà mỗi hộ nông dân riêng lẻ chỉ bán được 410 kilô.
Cách tốt nhất để tuyên truyền và đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, là phải xây dựng hợp tác xã thí điểm cho thật tốt, thật vững; các hợp tác xã giúp đỡ nông dân ngoài xã sản xuất, chống thiên tai, cải tiến kỹ thuật... Làm như thế quần chúng nông dân bên ngoài tự trông thấy tính chất tốt đẹp của hợp tác xã, và họ sẽ hăng hái tự nguyện vào hợp tác xã. Thí dụ: năm 1954 ở xã Minh Thiên, 2 phần 3 ruộng bị nước ngập bảy lần; mỗi lần bị ngập, hợp tác xã lại tập trung lực lượng cấy lại. Kết quả đã biến năm tai họa thành năm được mùa. Việc đó làm cho toàn dân trong huyện phấn khởi và càng tin tưởng hợp tác xã.
Một việc nữa: Mỗi vụ, Đảng ủy huyện tổ chức ba lần so sánh: so sánh mạ, so sánh lúa, so sánh thóc thu hoạch. Mỗi lần so sánh, nông dân đều thấy hợp tác xã có mạ xanh hơn, lúa tốt hơn, thóc nhiều hơn của nông dân riêng lẻ. Đó là cách lấy thực tế mà giáo dục và tuyên truyền, kết quả rất tốt.
Hợp tác xã vững chắc lại thúc đẩy tổ đổi công phát triển. Mùa thu năm 1954 hợp tác xã tăng đến 867 cái, tổ đổi công cũng tăng lên 12.800 cái, trong số đó 60% là tổ đổi công thường xuyên. Cuối năm ấy, nhiều tổ đổi công nhỏ đã tự động hợp lại thành liên tổ, và thi đua tăng gia sản xuất tốt để được tiến lên hợp tác xã.
Để đẩy mạnh hợp tác hóa một cách vừa khẩn trương vừa chắc chắn, phải làm đúng ba điều: bí thư chi bộ phải ra tay lãnh đạo, dựa vào chi bộ, toàn Đảng ra sức làm.
Lúc đầu có gặp một số khó khăn. Thí dụ:
- Làm thế nào để kết hợp những công tác khác với công tác hợp tác hóa.
- Vì thiếu kinh nghiệm cho nên trong việc hợp tác hóa khi nắm được điểm thì không nắm được diện, khi nắm được diện lại quên mất điểm...
Cách giải quyết khó khăn là: Các cấp ủy Đảng phải đi sâu và nắm chặt trọng điểm (làng trọng điểm và hợp tác xã trọng điểm) xây dựng trọng điểm cho thật tốt, rồi rút kinh nghiệm và kịp thời phổ biến cho những nơi khác. Nắm trọng điểm và ra sức giúp những nơi lạc hậu, thì những nơi trung gian sẽ theo đà tiến lên.
Sắp xếp một cách hợp lý các công tác khác với công tác của hợp tác xã, khiến cho công tác trong hợp tác xã làm đầu tàu cho công tác quần chúng ngoài hợp tác xã.
Huyện ủy phải thường đi kiểm tra khai hội tại chỗ, giúp cán bộ trông thấy vấn đề, giải quyết vấn đề, giúp họ cải tiến cách lãnh đạo.
Xây dựng lưới hợp tác xã và lưới tổ đổi công, định kỳ khai hội chung với họ để trao đổi kinh nghiệm, đặt mức thi đua và giúp đỡ lẫn nhau.
Cách làm như vậy đã thu được kết quả rất tốt.
Tạm kết luận:
Những kinh nghiệm trên đây cho chúng ta thấy rằng:
- Phong trào hợp tác hóa ở Trung Quốc do Đảng lãnh đạo một cách rất chặt chẽ từ Trung ương đến các tỉnh, các huyện, các xã. Các chi bộ, bí thư, chi bộ, Đảng ủy các cấp đều dốc sức vào công việc hợp tác hóa.
- Hợp tác hóa tiến bước một cách rất khẩn trương và rất thận trọng, và tùy tình hình thực tế từng nơi, từng lúc mà uốn nắn chính sách cho thật đúng.
Mỗi năm, các xã, các huyện, các tỉnh đều phải có kế hoạch cụ thể về việc phát triển tổ đổi công và hợp tác xã. Mỗi đợt phát triển phải kiểm tra và chỉnh đốn mấy lần để bảo đảm chất lượng của tổ đổi công và hợp tác xã.
- Luôn luôn giữ vững nguyên tắc tự nguyện, tự giác; chống quan liêu, mệnh lệnh, chủ quan.
Luôn luôn đi đúng đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn; dựa hẳn vào bần nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông.
- Chống nóng vội - tham con số cho nhiều mà không hết sức chú trọng chất lượng. Chống bảo thủ - khi các điều kiện đã đầy đủ, nhưng rụt rè không dám phát triển thêm.
- Ra sức bồi dưỡng cán bộ chính trị và cán bộ quản lý cho tổ đổi công và hợp tác xã.
Ra sức giúp đỡ tổ đổi công và hợp tác xã về việc tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để họ có thể sản xuất mỗi mùa càng tốt hơn, nhiều hơn và sinh hoạt của xã viên ngày càng cải thiện thêm.
Song song với bước tiến của phong trào hợp tác hóa, phải động viên nông dân cải tiến kỹ thuật (làm nhiều thủy lợi dùng nhiều phân bón,...).
Điều quan trọng nhất, là ra sức đẩy mạnh và rộng khắp việc giáo dục chủ nghĩa xã hội cho cán bộ và quần chúng nông dân, làm cho mọi người thấy rõ con đường tư bản chủ nghĩa là con đường bế tắc, con đường xã hội chủ nghĩa là con đường vẻ vang. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, mọi người phải đoàn kết chặt chẽ để vượt mọi khó khăn, ra sức phát triển hợp tác hóa.
Nói tóm lại, nhờ chính sách đúng đắn của Đảng, cho nên tuy Trung ương “dự định trong 18 năm căn bản hoàn thành hợp tác hóa [2], và “đến năm 1960, nửa số nông hộ còn lại chưa tổ chức sẽ hoàn thành cải tạo nửa xã hội chủ nghĩa” (báo cáo của đồng chí Mao Trạch Đông, tháng 7-1955), nhưng đến mùa thu năm 1957 thì hợp tác hóa đã hoàn thành trong cả nước, và Đảng đã mở một đợt giáo dục chủ nghĩa xã hội rộng khắp ở nông thôn.
Tháng 4-1958, các hợp tác xã ở tỉnh Hà Nam đã bắt đầu tiến lên công xã nhân dân.
Tháng 9 năm nay, công xã nhân dân đã lan rộng khắp cả nước.
Như vậy là: kế hoạch thì rất cẩn thận, tiến hành thì rất khẩn trương, kết quả đã rất tốt đẹp.
Nhân đây, tôi xin nêu một chuyện kiểu mẫu ở Việt Nam ta: Làng Đồng Tâm (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương) trước đây là một làng nghèo khổ, đất xấu, nay đang tiến lên thành một hợp tác xã loại cao; và anh Tầm trước đây là một người nhiều thắc mắc, nay đã trở nên một xã viên tích cực, hăng hái [3].
Làng Đồng Tâm có 27 hộ, trước đây đều là tá điền bị địa chủ Lược bóc lột tàn tệ. Trong thời kỳ kháng chiến, làng bị thực dân Pháp vây vùng đai trắng; dân làng bị giặc dồn đi nơi khác.
Trong cải cách ruộng đất, mỗi người được chia hơn hai sào. Tất cả 27 gia đình lập thành bốn tổ đổi công, cộng tất cả chỉ có bảy cái cày, bảy cái bừa, bảy con trâu và một số gà, vịt, lợn.
Vụ mùa năm 1957, cả 27 hộ gặt được 20 tấn thóc. Tháng 5-1958 bốn tổ đổi công nhập lại thành hợp tác xã và đã sắm thêm được 11 cày “51”, bốn bừa Nghệ An, bốn con trâu, một chiếc thuyền. Ngoài ra còn phát triển mười mẫu ao, nuôi hơn sáu vạn con cá, cá bán được bốn triệu rưỡi đồng, làm được 16 gian chuồng nuôi 33 con lợn (mỗi nhà còn nuôi riêng hai con).
Vụ mùa năm nay, cả làng gặt được 36 tấn thóc, tính cả tiền bán cá nữa thì được 59 tấn thóc. Chia bình quân mỗi người được hơn 536 kilô thóc.
Riêng về công lao động, nhiều nhà đã thu hơn năm ngoái. Thí dụ:
Nhà cụ Bích, vụ này được 628 kilô, năm ngoái chỉ được 140 kilô.
Nhà anh Tiếp, vụ này được 662 kilô, năm ngoái chỉ được 225 kilô.
Nhà anh Tầm, vụ này được 644 kilô, năm ngoái chỉ được 262 kilô.
Nhà ông Đỗ vụ này được 2.486 kilô.
Nhà ông Thuyền, vụ này được 2.205 kilô.
Nhà ông Lợi tính ra sụt mất hai tạ. Nhưng thật sự là tăng tám tạ rưỡi. Câu chuyện là thế này: ông Lợi nhà neo người, có con mọn. Năm ngoái, mọi việc cày cấy đều do tổ đổi công làm, đến vụ gặt, ông Lợi phải trả công cho bà con trong tổ hết cả thóc. Năm nay, nhờ có hợp tác xã, có nhà giữ trẻ, phân công hợp lý hơn, vợ chồng ông Lợi đều lao động được. Vụ mùa gặt xong, ông Lợi được chia tám tạ rưỡi là của ông ta cả, không phải trả cho ai đồng nào.
Vụ mùa này, tính cả thóc và tiền bán cá, trừ các khoản chi phí và 14 tấn rưỡi để vào quỹ hợp tác xã rồi, mỗi ngày lao động được chia mười kilô thóc (năm ngoái chỉ được bảy kilô). Cảnh tượng làng Đồng Tâm trở nên rất vui tươi.
Sau đây là lời anh Tầm tự phê bình:
- “Nguyên là một cố nông, tôi suốt năm cày thuê cuốc mướn. Sau khi được chia ruộng, vợ chồng tôi cũng vào tổ đổi công. Nhưng vì óc tự tư tự lợi, đã mấy lần tôi ra tổ, chỉ vì ruộng tôi phải cấy sau ruộng của bà con khác. Tôi nói: “Làm ăn riêng lẻ cũng chẳng thua kém gì tổ đổi công, mà lại thanh nhàn, tự do, muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ”... Không “tổ với tàng, nào đã chết ai...”.
Nhưng sự thật thì làm ăn riêng lẻ, vợ tôi phải ở nhà giữ con, tôi làm xong mấy sào ruộng, không đủ việc, phải chạy quanh đánh dậm nhì nhằng...
Lại trong khi ai cũng có tổ chức, ai cũng đi họp, đi học, thi đua, mình thì cứ nằm khoèo ở nhà, tự thấy buồn và tủi lắm.
Khi lập hợp tác xã, tôi muốn vào, nhưng xấu hổ, không dám xin, tôi định xin vào tổ đổi công ở một xóm khác. Nhờ cán bộ và bà con giải thích, tôi mới bạo dạn xin vào hợp tác xã.
Khi đã vào hợp tác xã, tôi vẫn không tin kỹ thuật mới, vẫn sợ hợp tác xã mất mùa thì mình cũng hỏng ăn. Tôi lại nghĩ rằng hợp tác xã đến cuối vụ mới chia công lao động; nếu ở ngoài đi đánh dậm, chèo thuyền thuê, thì sẵn tiền hơn. Hợp tác xã làm ăn có kế hoạch, có kỷ luật, nào kẻng, nào họp, bó buộc quá!...
Lúc đi làm, tôi bảo vợ tôi vừa làm vừa nghỉ kẻo mệt sức.
Tôi kỳ kèo từng điểm chấm công. Cứ đến giờ là tôi bỏ về, dù chỉ còn một đường cày cũng mặc. Tôi luôn luôn cò kè, tị nạnh, suy hơn tính thiệt.
Đối với bà con xã viên, tôi thường va chạm, cãi chửi lung tung. Có lần tôi đã định bỏ hợp tác xã, dời nhà đi ở xóm khác.
Hai điều đã làm cho tôi sáng mắt ra, trông thấy cái dại dột tầy đình của tôi. Một là tôi thấy lúa của hợp tác xã đẹp nhất đồng. Hai là các đồng chí cán bộ và anh em xã viên đã chịu khó phê bình và giải thích cho tôi thấy tiền đồ vẻ vang của hợp tác xã. Đó là hai ngọn đèn soi sáng đầu óc tôi, làm cho tôi giác ngộ, tin tưởng, phấn khởi.
Từ đó, tôi biết xem công việc hợp tác xã như công việc nhà. Tổ lao động phân công gì, tôi cũng hăng hái ra sức làm. Điểm công của tôi từ đó đều lên hạng nhất. Tôi được hợp tác xã khen ngợi. Vụ mùa này thắng lợi, càng làm tôi thêm phấn khởi và quyết tâm ra sức góp phần xây dựng hợp tác xã tiến lên.
Anh Tầm nói tiếp rằng: Nếu tất cả xã viên đều cố gắng hơn nữa, cố gắng cày sâu, cấy dày hơn, bón nhiều phân hơn, thì chắc chắn hợp tác xã thu hoạch còn nhiều hơn nữa. Anh nói: Nguồn phân chẳng thiếu, bón mỗi sào 23 gánh phân là ít quá. Khoán 80 công một mẫu là lãng phí, chỉ 50 công là đúng. Mỗi người cố gắng một ít, thì hợp tác xã sẽ thu hoạch nhiều thêm. Mỗi người lãng phí một chút, thì hợp tác xã sẽ bị thiệt...
Vụ Đông - Xuân, hợp tác xã sẽ cố gắng nhiều hơn để thu hoạch nhiều gấp mấy vụ mùa này. Hợp tác xã sẽ tự nung lấy gạch để lót hai mẫu sân, xây mười gian kho, làm nhà gửi trẻ... và phấn đấu để tiến lên hợp tác xã cấp cao.
Anh Tầm kết luận: “Nay vợ chồng tôi rất phấn khởi, khó khăn mấy cũng vượt được, ra sức thi đua, làm ngày làm đêm. Từ nay chúng tôi sống chết không rời hợp tác xã, kiên quyết suốt đời đi theo con đường hợp tác hóa của Đảng là con đường ấm no, hạnh phúc của nông dân chúng tôi”.
Những lời mộc mạc mà rất chân thành của anh Tầm và sự tiến bộ không ngừng của hợp tác xã Đồng Tâm cũng là một kinh nghiệm quý báu cho cán bộ và đồng bào nông dân ta trong công việc củng cố và phát triển tổ đổi công và hợp tác xã.
TRẦN LỰC
--------------------------
Báo Nhân Dân, từ số 1744 đến số 1747, ngày 22 đến ngày 25-12-1958, tr.3
[1]. Tập san Học tập Trung Quốc.
[2]. 18 năm tính từ 1949 đến 1966.
[3]. Trích báo cáo của Việt Nam thông tấn xã ghi lời anh Tầm.