Trong hơn 80 năm thống trị nước ta, thực dân và bù nhìn có cả một bộ máy để đàn áp cách mạng: quân đội, cảnh sát, mật thám, tòa án, nhà giam, máy chém, cơ quan tuyên truyền, v.v.. Chúng như một bức tường có điện, chẳng những khó trèo qua, mà đụng đến là chết. Cách mạng thì chỉ có mấy nhóm, gồm một số ít người. Họ ăn khổ, mặc khổ, ở khổ. Xa gia đình, lìa quê quán. Nếu không may bị giặc bắt, thì bị tra tấn dã man, chết đi sống lại. Tiếp theo đó là bị tù đày hàng chục năm, hoặc bị giặc bắn, chém. Song họ vẫn trơ như đá, vững như đồng. Một người bị, thì trăm nghìn người nổi lên. Do đó, cách mạng vẫn tiến lên, tiến lên mãi. Càng gặp khó khăn nguy hiểm, càng tiến mạnh.

Đó là vì lòng tin tưởng.

Ngày bắt đầu kháng chiến, thế địch mạnh; chúng lại có phản động Anh, Mỹ, và Trung Quốc giúp sức. Lúc đó, thế ta còn yếu. Bên ngoài, Liên Xô tuy thắng lợi nhưng vết thương đầy mình (Liên Xô hy sinh mất 17 triệu người cả quân và dân). Các nước dân chủ mới chưa vững. Cách mạng Trung Quốc chưa thành công. Bên trong, chính quyền ta mới thành lập, còn non nớt. Bộ đội ta mới tổ chức, thiếu thốn mọi bề. Nhân dân ta mới thoát ách nô lệ, còn thiếu kinh nghiệm, thử thách. So sánh lực lượng địch và ta lúc đó, những kẻ nhút nhát đã thốt ra: "Kháng chiến là lấy trứng chọi với đá". Nhưng nhân dân ta, quân đội ta và Chính phủ ta vẫn kiên quyết kháng chiến, mà kháng chiến ngày càng mạnh, càng thắng.

Đó là vì lòng tin tưởng.

Ngày nay, hoàn cảnh vùng tạm bị chiếm cũng khó khăn không kém hoàn cảnh trong hồi thuộc Pháp. Nhưng cán bộ vẫn bám chặt nhân dân, ra sức đấu tranh, làm trọn nhiệm vụ.

Đó là vì lòng tin tưởng.

Các chiến sĩ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương, dân quân du kích xông pha bom đạn, ăn gió nằm sương, không sợ khổ, không sợ chết, quyết chí hy sinh để giữ gìn Tổ quốc.

Đó là vì lòng tin tưởng.

Những đồng bào đi dân công, hoặc sửa chữa đường sá, hoặc giúp đỡ vận tải, hoặc phục vụ chiến dịch, dầm mưa dãi nắng, lội suối trèo đèo, có khi ngày thì gánh nặng đi xa, đêm thì ngồi ngoài đồng ruộng dựa lưng nhau mà nghỉ. Nhưng họ không quản vất vả, không hề than phiền, sáng dậy vẫn vui vẻ làm công việc. Đồng bào nông dân tích cực tăng gia sản xuất, đóng thuế nông nghiệp. Đồng bào Mán làm rẫy được Chính phủ miễn thuế, song ở nhiều nơi cũng tự nguyện xung phong đóng góp.

Đó là vì lòng tin tưởng.

Tin tưởng vào gì? Tin tưởng vào ai?

Tin tưởng vào tương lai của dân tộc. Tin tưởng vào lực lượng vô cùng tận của nhân dân ta. Tin tưởng vào lực lượng cách mạng của nhân dân thế giới. Lực lượng to lớn của nhân dân ta phải được tổ chức và lãnh đạo; Đảng và Chính phủ ta phụ trách tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta, nên ta tin tưởng vào Đảng và Chính phủ ta. Để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân, Đảng và Chính phủ có chủ trương, chính sách đúng dựa trên lý luận đúng nhất, lý luận Mác - Lênin; nhờ đó, Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến của ta ngày một mạnh; vì vậy, ta tin tưởng vào lý luận ấy. Lý luận đó do những lão đồng chí lãnh đạo có kinh nghiệm cách mạng quốc tế và trong nước, hoạt động đấu tranh lâu ngày trong quần chúng, trải qua nhiều lần thử thách, phụ trách truyền lại cho đồng chí ta, và nhân dân ta. Vì vậy ta tin tưởng vào những lãnh tụ của ta.

Nhờ sự giáo dục của Đảng, của quần chúng, mà lòng tin tưởng của cán bộ, của nhân dân ngày càng vững, ngày càng sâu. Họ tin rằng sự cố gắng của cá nhân mình nhất định có thể góp một phần vào lực lượng chung (góp gió thành bão) để tiêu diệt quân thù, đưa kháng chiến đến thắng lợi, kiến quốc đến thành công, giữ gìn dân chủ và hòa bình thế giới.

C.B.

-----------

- Báo Nhân Dân, số 46, ngày 21-2-1952, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.328-330.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.