Thưa các đồng chí,

Hôm nay, tôi nói chuyện về những tiến bộ nhảy vọt trong công việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Tiến bộ này là kết quả bước đầu của cuộc chỉnh phong. Cho nên tôi muốn thuật lại một cách rất tóm tắt cuộc chỉnh phong ấy (những việc sau này, một phần là tôi đã mắt thấy tai nghe, một phần là trích từ báo cáo của các đồng chí lãnh đạo Trung Quốc).

Chỉnh phong là giáo dục toàn Đảng và toàn dân uốn nắn những tư tưởng sai lầm và sửa chữa lề lối làm việc lạc hậu, để xây dựng chủ nghĩa xã hội thắng lợi.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã làm cuộc chỉnh phong thứ nhất từ năm 1942 đến 1945, nhằm chống bệnh chủ quan, bệnh bè phái và bệnh máy móc (giáo điều). Khẩu hiệu là: Vì đoàn kết mà phê bình thật thà - dùng phê bình để đoàn kết hơn nữa.

Cuộc chỉnh phong ấy đã làm cho Đảng thêm mạnh, và đã đưa Đảng đến nhiều thắng lợi to.

Bắt đầu từ tháng 5-1957, cuộc chỉnh phong lần này rộng khắp cả nước. Từ Trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, trong Đảng và ngoài Đảng, các cơ quan và đoàn thể, các nhà máy và nông trường... đều chỉnh phong.

Chỉnh phong nhằm chống ba thứ bệnh chính: Chủ quan, quan liêu và bè phái; chống năm thứ thói xấu: Quan dạng, phô trương, uể oải, kiêu ngạo và sợ khó sợ khổ; và chống hai nạn: Nạn bảo thủ và nạn lãng phí.

Ngoài những điểm chính đó, mỗi nơi và mỗi tầng lớp xã hội tuỳ theo hoàn cảnh thiết thực mà châm chước áp dụng cho đúng. Thí dụ: ở trường học thì làm khác ở nhà máy, ở bộ đội thì làm khác ở hợp tác xã nông nghiệp, v.v..

Chỉnh phong chia làm bốn bước:

Bước 1- Dựa vào quần chúng, phóng tay phát động quần chúng phê bình và tự phê bình. Vừa phê bình vừa sửa chữa.

Bước 2- Vừa chống bọn hữu phản động, vừa sửa chữa khuyết điểm của mình.

Bước 3- Chú trọng về sửa chữa.

Bước 4- Cán bộ từ Trung ương đến cấp huyện phải nghiên cứu các tài liệu của Đảng, tự liên hệ và kiểm thảo để nâng cao thêm nữa trình độ chính trị và tư tưởng của mình.

Trong chỉnh phong, cán bộ phải làm gương mẫu, phải tự phê bình sâu sắc, và khuyến khích người khác phê bình mình. Phải học hỏi và phổ biến kinh nghiệm những đơn vị tiên tiến, đến tham quan những đơn vị ấy, thảo luận cách làm của họ, so sánh với cách làm của đơn vị mình.

Để phê bình và tự phê bình thật rộng rãi và dân chủ, các cơ quan, nhà máy, trường học, hiệu buôn, đường phố... đã viết hàng vạn hàng triệu tờ báo tường chữ to bằng bàn tay. Họ nêu rõ tên người được phê bình và khuyết điểm đã phạm phải. Nhiều khi cũng đề nghị cách sửa chữa.

Bất kỳ ở địa vị nào, người được phê bình phải viết báo tường trả lời và hứa quyết tâm sửa chữa.

Ngoài báo tường, thì có những cuộc khai hội từng nhóm nhỏ, từng tổ và từng ngành, thảo luận cho đến lúc phải ra phải, trái ra trái.

Có thể nói rằng đợt chỉnh phong này là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa về mặt chính trị và tư tưởng, nó đã lôi cuốn và giáo dục hàng trăm triệu người. Kết quả là cán bộ, đảng viên và quần chúng đã:

- Học hỏi được và dùng đúng hình thức mới của dân chủ xã hội chủ nghĩa.

- Hiểu thấu rằng chính trị là linh hồn của mọi công việc.

- Học làm đúng đường lối quần chúng.

- Đưa công việc xây dựng xã hội chủ nghĩa đến những bước tiến nhảy vọt.

Nhờ chỉnh phong mà giác ngộ xã hội chủ nghĩa của mọi người được nâng cao. Vì vậy, mới mấy tháng mà mọi công việc đều tiến bộ rất nhanh chóng, và khẩu hiệu cần kiệm để xây dựng nước nhà được thực hiện trong mọi ngành, mọi việc.

Sau đây, tôi sẽ lần lượt nói đến kinh nghiệm của từng ngành.

NÔNG NGHIỆP

Ngày trước, Trung Quốc cũng là một nước nông nghiệp lạc hậu như Việt Nam ta, năm nào cũng bị bão lụt, đói kém. Từ ngày giải phóng, cải cách ruộng đất và hợp tác xã nông nghiệp được tổ chức1, sản xuất đã tăng lên và đời sống nông dân đã được cải thiện nhiều. Từ mùa Thu năm ngoái, nhờ chỉnh phong mà công việc và đời sống nông dân càng cải thiện nhiều hơn nữa. Sau đây, tôi nêu một làng, một huyện và một tỉnh làm thí dụ.

Làng Thiên Sư:

Ngày xưa là một làng lạc hậu nhất, nghèo khổ nhất trong tỉnh Hồ Bắc, cả làng chỉ có mấy đám ruộng xấu và nương khô trên đồi. Các làng lân cận đã có câu hát mỉa mai đối với Thiên Sư:

Khuyên em chớ lấy trai làng Sư,

Nương đồi khô héo, nước hiếm như ngọc vàng!”.

Vì thiếu nước mà ruộng xấu. Vì ruộng xấu mà nông dân thường bỏ không cày, đi tìm công việc làm ăn nơi khác.

Khi chi bộ Đảng đề nghị làm thủy nông, dân làng không tán thành vì họ không tin tưởng.

Chỉnh phong bắt đầu. Bí thư chi bộ tự ra tay làm một đám ruộng thí nghiệm và động viên cả chi bộ, cả dân làng thảo luận sôi nổi vấn đề làm thủy nông và làm ruộng thí nghiệm.

Được phát biểu ý kiến đầy đủ và thảo luận kỹ càng, nhiều nông dân tán thành, nhưng có một số người vẫn còn do dự, họ nói: “Kỹ thuật ta kém, nguồn nước khô khan, ruộng rẫy chật hẹp, cải thiện thế nào?”.

Lúc đầu dân cả làng chỉ nhận làm 13 mẫu ta ruộng thí nghiệm. Sau thấy lúa ở ruộng thí nghiệm tốt hơn những ruộng khác, họ tin tưởng hơn và tự động tăng số ruộng thí nghiệm từ 13 mẫu ta lên đến 160 mẫu.

Để giải quyết khó khăn vì thiếu nước tưới ruộng, các đảng viên không ngại nguy hiểm, xung phong chui vào những hang núi tối om và dài hàng cây số để tìm nguồn nước. Thấy vậy, dân làng rất cảm động và hăng hái thêm.

Tìm được nguồn nước, lại gặp khó khăn khác, là thiếu nhân công để đào rãnh, khơi mương. Có cụ nông dân già đề nghị dùng trâu cày chóng hơn người đào. Cụ khác đề nghị dùng bò kéo đất, chóng hơn người gánh. Nhờ nhiều sáng kiến của quần chúng mà năng suất lao động tăng gấp mười mấy lần, vấn đề nhân công được giải quyết. Thấy có thành tích, nông dân càng tin cán bộ, tin sức mình, phong trào càng lên mạnh. Những người trước kia không tin tưởng, nay cũng tin tưởng; những người trước kia làm việc uể oải nay cũng trở nên hăng hái siêng năng. Trong mấy ngày, nước đã bắt đầu về đến ruộng. Mọi người đều nhận rằng:

Biến ruộng khô thành ruộng nước,

Biến đồi trọc thành ruộng thang,

Chịu khó nhọc mấy tháng, rồi sẽ vẻ vang muôn đời”.

Hôm Tỉnh ủy về huyện để nghe báo cáo của các trọng điểm, nhiều cán bộ làng Thiên Sư cũng đến tham gia. Tỉnh ủy hỏi: Cây dầu trẩu ở các nơi thế nào? Và phân bón thế nào? Không chờ hội nghị kết thúc, ngay đêm hôm đó các cán bộ Thiên Sư phái người trở về làng và ngay trong đêm ấy động viên dân làng. Chỉ cách hai ngày sau, hơn 100 mẫu cây dầu trẩu đã được khôi phục, và sau ba ngày thì cả làng đã tăng thêm 1.200 chỗ ủ phân...

Nhờ cán bộ lãnh đạo tốt và nông dân hăng hái đấu tranh, làng Thiên Sư nghèo nàn lạc hậu mấy năm trước, nay đã trở nên một làng tiên tiến và ấm no.

Mùa Xuân năm nay, cả huyện khai hội bình nghị. Làng Thiên Sư đã được bình vào hạng nhất trong mấy công việc:

Biến ruộng khô thành ruộng nước,

Xây dựng tốt tiểu thủy nông và trung thủy nông

Tích trữ được nhiều phân bón,

Có sáng kiến cải thiện nông cụ,

Nuôi được nhiều lợn,

Tiết kiệm lương thực.

Tiêu diệt hết bốn thứ có hại cho mùa màng và vệ sinh (ruồi, muỗi, chuột và chim sẻ).

Để ghi nhớ sự đổi mới của làng mình, nông dân Thiên Sư đã đặt bài vè:

Đứng xa chỉ thấy núi đồi,

Lại gần, mới thấy ruộng rồi lại nương,

Nước đầy ruộng, sáng như gương,

Cả làng no ấm, vì lương thực nhiều,

Nhờ ơn Đảng đã dắt dìu...

Huyện Từ Thủy: Ở tỉnh Hà Bắc là một huyện có nhiều khó khăn. Trong huyện có đủ ba thứ ruộng đất: Núi đồi nhiều, đồng bằng ít, lại có ruộng úng. Do đó, gặp nắng thì lo hạn, mưa thì lo lụt, và lo úng thủy, thường xuyên có một phần ruộng đất không cày cấy được. Vì vậy, năm nào sản xuất cũng kém.

Trong lúc chỉnh phong, các nơi khác đều tiến bộ nhảy vọt, Từ Thủy không thể để tình hình lạc hậu ấy kéo dài. Huyện ủy quyết tâm thay đổi tình hình ấy. Trước hết, điều tra nghiên cứu kỹ tình hình, rồi nêu vấn đề tăng gia sản xuất cho toàn Đảng, toàn dân trong huyện thảo luận kỹ lưỡng. Làm như vậy để nâng cao tư tưởng chính trị của mọi người, cho ai nấy đều hiểu rõ: Tăng gia sản xuất là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, mà muốn tăng gia sản xuất thì phải làm tốt công việc thủy lợi.

Như thế, vừa nắm vững vấn đề tư tưởng, vừa nắm vững vấn đề sản xuất. Rồi động viên toàn dân trong huyện dốc sức của và sức người ra để thực hiện kế hoạch thủy nông. Kế hoạch chia làm ba bước:

Trọng tâm bước 1- Kết hợp việc thủy lợi với việc tích trữ phân bón.

Trọng tâm bước 2- Đưa phân bón ra đồng, tưới nước ruộng, chỉnh đốn lại hàng ngũ cán bộ.

Trọng tâm bước 3- Tiếp tục tăng cường việc thủy lợi và phân bón.

Để thực hiện kế hoạch, hầu hết huyện ủy, cán bộ Đảng và cán bộ các ngành cấp huyện đều đi vào nông thôn. Khi cần khai hội để giải quyết các vấn đề thì họ họp ngay ở bờ ruộng hoặc sườn núi.

Để lãnh đạo chính trị và đi sâu vào kỹ thuật, từ Bí thư huyện ủy đến Bí thư chi bộ đều phải làm một đám ruộng thí nghiệm. Bí thư huyện ủy thì trồng lúa. Chủ tịch huyện thì trồng khoai. Các huyện ủy thì trồng bông, v.v.. Như vậy, bản thân cán bộ được rèn luyện thực tế, tự mình học tập kinh nghiệm rồi phổ biến và trao đổi kinh nghiệm với mọi người, làm gương mẫu cho nông dân.

Các ngành đều động viên góp phần vào công việc thủy lợi. Cán bộ giáo dục thì làm việc tuyên truyền. Cán bộ mậu dịch thì phụ trách sắm các thứ dụng cụ. Cán bộ tư pháp và công an thì đề phòng và trấn áp bọn địa chủ cũ nếu chúng có âm mưu phá hoại (đã tìm ra 100 vụ). Nói tóm lại, lãnh đạo thì thống nhất, thiết thực, đi sâu; phân công phụ trách thì dứt khoát, rành mạch.

Trong quá trình công tác, phải chỉnh đốn hàng ngũ cán bộ. Ngoài việc khen thưởng những cán bộ và nông dân gương mẫu, huyện Từ Thủy đã cách chức sáu cán bộ (phe hữu), một Bí thư chi bộ lười biếng, đã chỉnh 19 cán bộ uể oải và thay đổi 330 cán bộ xã.

Từ đầu tháng 11-1957 đến cuối tháng 1-1958, nhân dân cả huyện đã hăng hái góp 660 vạn đồng vừa tiền mặt vừa vật liệu, đã làm hơn 460 vạn ngày công, bình quân mỗi người làm 40 ngày. Suốt trong ba tháng, mỗi ngày có hơn 11 vạn người thi đua san núi, đào giếng, khơi mương... Kết quả là:

Trồng cây xong trên 27 quả núi trọc,

Xây đắp 5.067 mẫu ta ruộng thang,

Đào được 1.360 cái ao, 2.257 cái đìa có mạch nước, 163 cái giếng có máy thô sơ, 2.658 cái giếng thường,

Xây 174 kho chứa nước hạng vừa,

Khơi 14 con suối,

Đắp 175 cây số đê.

Đồng thời nông dân huyện đã tích trữ được 2 triệu 63 vạn tấn phân, nuôi hơn 58 vạn con lợn (quần chúng đã có sáng kiến tìm ra 120 thứ rau cỏ nuôi lợn).

Huyện Từ Thủy đã rút được kinh nghiệm giữ lấy nước là chính; dân tự làm lấy là chính; và làm thủy nông nhỏ là chính, vì nó dễ làm, mau thành công. Thấy có kết quả, quần chúng tin tưởng hơn vào khả năng của mình và dễ động viên. Khi đã có kinh nghiệm, quần chúng tiến lên làm một số thủy nông hạng vừa. Sau ba tháng phấn đấu anh dũng và gian khổ, vừa trị thủy, vừa sản xuất, vừa làm những nhiệm vụ khác - kết quả là từ nay nông dân Từ Thủy không phải lo hạn, không phải lo lụt, không phải lo mất mùa nữa; và từ một huyện thiếu lương thực đã trở nên một huyện thừa lương thực.

TRẦN LỰC

-----------------------

[1] Năm 1950 mới có 219 nông hộ vào hợp tác xã nông nghiệp, năm 1952 có 268 nông hộ và năm 1954 có 2.297 nông hộ.

Từ 1955 đến 1957 là thời kỳ phát triển mạnh: Năm 1955 hợp tác xã nông nghiệp gồm có 14% tổng số nông hộ, năm 1956 92% và năm 1957 98% (T.G).

- Báo Nhân Dân, số 1571-1572, ngày 1, 2-7-1958, tr.3.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.427-434.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.