Từ ngày 1-3, Trung Quốc đã dùng giấy bạc mới thay cho giấy bạc cũ, 1 đồng mới ăn 1 vạn đồng cũ. Bạc mới có 11 thứ 1, 2, 3, 5, 10 đồng; 1, 2, 5 hào; 1, 2, 5 xu.

Cải cách ấy chứng tỏ thành tích to lớn của kinh tế tài chính, hàng hóa lưu thông ngày càng rộng rãi, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao.

Nó cũng chứng tỏ: Giá cả đã ổn định, sản xuất đã phát triển, ngân sách của Nhà nước thu nhiều hơn chi, vàng bạc và hàng hóa trong kho Nhà nước đã đầy đủ, đồng tiền đã vững chắc.

Cải cách ấy làm cho việc mua bán tiện lợi, kế toán dễ dàng.

Dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, tiền Trung Quốc phải phụ thuộc vào tiền Anh, tiền Mỹ, cho nên sụt giá mãi, kết cuộc là mất hết giá trị. Do đó mà lâm vào nạn lạm phát ghê gớm. Từ năm 1937 đến 1949, số giấy bạc phát hành tăng gấp 170 nghìn triệu lần. Vật giá có nơi tăng 1 vạn 3.000 triệu lần! Đến nỗi người ta coi “bạc giấy như nước lã”, không còn chút giá trị nào nữa. Vả lại, ngoài tiền Anh, tiền Mỹ, bọn quân phiệt ở các tỉnh cũng có quyền in giấy bạc, cho nên chế độ tiền tệ rất lung tung, lu bù.

Ngày nay, Trung Quốc đã bài trừ hết tiền ngoại quốc, giá lên xuống của tiền ngoại quốc không thể ảnh hưởng đến tiền Trung Quốc nữa.

Chỉ đấu tranh trong khoảng 5 năm, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc đã xây dựng được một chế độ tiền bạc độc lập, thống nhất và vững vàng. Đó là một thắng lợi cực kỳ to lớn.

C.B.

------

Báo Nhân Dân, số 372, ngày 9-3-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.