Đại ý nghĩa là: Người mạnh hơn trời. Đây là một thí dụ:
Vùng Hoa Bắc (Trung Quốc) sống nhờ ruộng đất. Nhưng trời lại hay phũ phàng, cứ 10 năm thì 9 năm hạn hán. Vùng nào tránh được hạn thì bị lụt. Sau lụt và hạn, lại thường bị sâu. Hạn, lụt, sâu là ba kẻ địch hung ác của nông dân. Vì thế, trước ngày giải phóng, đất tuy tốt mà dân lại thường bị nạn đói.
Từ ngày giải phóng, một mặt do Đảng và Chính phủ lãnh đạo, một mặt do nông dân hăng hái xung phong, nên đã đánh bại được ba kẻ địch ấy.
Để chống giặc hạn, nông dân đã thi đua đào giếng, khơi mương, và cày bừa sớm. Khi có hạn hán, họ ra sức gánh nước tưới đất.
Để chống giặc lụt, họ thi đua đắp đê, sửa đê, giữ đê, và giữ rừng.
Để chống giặc sâu, họ tổ chức thi đua giết sâu.
Mùa vừa rồi, ruộng bông ở Hoa Bắc bị nạn sâu. Thế mà bông vẫn được mùa. Vì hơn 6 triệu nông dân, già trẻ gái trai, đã xuất hơn 80 triệu ngày công, để giết sâu cho 4.254 vạn mẫu bông. Do đó, họ đặt câu hát:
"Ra sức thi đua,
thì mùa chắc được".
Chắc rằng: Việc gì anh em nông dân Trung Quốc làm được, thì đồng bào nông dân Việt Nam ta cũng làm được.
C.B.
---------
- Báo Nhân Dân, số 37, ngày 19-12-1951, tr.2.
- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd,t.7, tr.257.