Ông Văn Hạo là một nhà khoa học Trung Quốc nổi tiếng về hầm mỏ. Từ năm 1936, làm quan với Tưởng Giới Thạch. Năm 1948 làm Thủ tướng trong chính quyền Tưởng. Năm 1951, bỏ Tưởng trốn về Trung Quốc. Vừa rồi ông ta đăng báo một bản tự kiểm thảo, dưới nhan đề: “Đau xót truy lại tội phản động của tôi”.

Sau khi nêu rõ tội ác của Tưởng làm tay sai cho Mỹ và kể lại sự hoạt động thân Mỹ của mình, ông ta viết: “Ôn lại chuyện cũ, từ khi tôi vào bè lũ giặc Tưởng, tôi càng thêm ngu dại, như sa vào vũng lầy, càng lún càng sâu, kết quả bị nhân dân lên án là một kẻ tội phạm chiến tranh. Tội ấy thật đáng. Đó là vì tôi căn bản không hiểu rằng Trung Quốc cần phải độc lập và thực hành chủ nghĩa xã hội. Vì dại dột, tôi đã bị phong kiến và đế quốc lừa bịp và lợi dụng. Từ ngày tôi trở về nước 4 năm nay, tôi ra sức học hỏi, cải tạo tư tưởng, triệt để tẩy rửa những sai lầm, khuyết điểm cũ. Nhờ vậy mà tôi nhận thấy: Không phải vì tôi là một người khoa học không hiểu chính trị, mà chính vì tôi mang nặng bản chất phản động và tư tưởng lạc hậu của giai cấp tư sản. Đến nỗi mù quáng không nhận rõ ai là bạn, ai là thù, gió chiều nào theo chiều ấy, kết quả có tội với nhân dân.

“Ngày nay càng được nhân dân khoan hồng, tôi càng thấy tội lỗi của tôi nghiêm trọng, tôi càng thấy cần phải thật thà tự phê bình trước nhân dân, càng phải ra sức sửa chữa, mong lấy công chuộc tội…”.

Ở Trung Quốc có một số người như Ông Văn Hạo, trước kia theo Tưởng, theo Mỹ, chức trọng quyền cao, ngày nay họ quyết tâm trở về phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc. Sở dĩ như vậy, một phần vì họ thấy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc tiến bộ nhanh chóng và không ngừng, một phần vì họ tin vào chính sách đoàn kết rộng rãi của Mặt trận dân tộc, dân chủ giúp cho mọi người muốn “cải tà quy chính”.

Chuyện này là một kinh nghiệm quý báu của chúng ta.

C.B.

------

Báo Nhân Dân, số 462, ngày 8-6-1955, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.