Chữa bệnh lâu năm thì phải uống thuốc đắng cay nhiều ngày mới khỏi. Đối với một người như vậy, đối với một nước cũng như vậy.

Việt Nam ta bị bệnh mất nước 80 năm trường, tức là hơn 29.000 ngày! Xương tủy bị vi trùng thực dân đục khoét. Lại bị 15 năm - tức là hơn 5.400 ngày chiến tranh tàn phá (kể từ năm 1939, Đại chiến thế giới lần thứ hai).

Bệnh thật là nặng! Song, vì nòi giống Tiên Rồng khí huyết rất khỏe, cho nên sau 8, 9 năm uống thuốc kháng chiến, ta đã thoát khỏi tai nạn mất nước, đập tan cái ách nô lệ giành lại độc lập, chủ quyền. Đó là một kết quả cực kỳ to lớn, nhưng mới là kết quả bước đầu.

Bệnh khỏi, còn phải trải qua một thời kỳ cố gắng gay go, mới đến ngày thật mạnh khỏe. Sau một trận ốm 29.000 ngày, chúng ta phải trải qua một thời kỳ chịu khó, chịu khổ, vượt nhiều khó khăn để khôi phục lại mực sống bình thường về mọi mặt. Cũng như nhà nông làm ruộng, từ khi chuẩn bị gieo mạ cho đến gặt lúa, phải trải nhiều ngày thức khuya dậy sớm, chân lấm tay bùn. Không nên sốt ruột!

Từ sau Cách mạng thành công đến ngày khôi phục lại nền kinh tế, Liên Xô đã phải trải qua mười hai năm gian khổ; Trung Quốc trải qua ba năm. Kinh nghiệm thiết thực ấy chứng tỏ rằng sau vài năm phấn đấu gian khổ chúng ta sẽ khôi phục lại kinh tế nước nhà. Với hai bàn tay không, chúng ta đã anh dũng kháng chiến 8, 9 năm, đã giành được tự do, độc lập. Thì với lòng nồng nàn yêu nước và chí kiên nhẫn, cố gắng của mọi người dân và mọi tầng lớp, chúng ta nhất định xây dựng được một đời sống hòa bình tươi đẹp, mọi người đều có công ăn việc làm, áo ấm cơm no.

C.B.

-----------

- Báo Nhân Dân, số 275, ngày 28-11-1954, tr.2.

- Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.138-139.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.