Việt Nam ta có câu: "Quan hệ Việt Nam và Trung Quốc khăng khít như môi với răng". Trung Quốc cũng có câu như thế. Câu đó rất đúng. Đồng bào ta ai cũng biết ơn Trung Quốc anh em đã tận tình giúp đỡ ta trong cuộc chống thực dân Pháp trước kia, cũng như trong cuộc chống Mỹ, cứu nước hiện nay.
Đầu năm nay, tôi được đi xem công trình thủy lợi của một công xã nhân dân ở vùng núi tỉnh Hồ Bắc. Do những điều tai nghe mắt thấy, tôi càng thấm thía ý nghĩa của chữ "tình nghĩa môi răng".
Từ biên giới đến tỉnh Hồ Bắc, khắp nơi tôi đều thấy những khẩu hiệu và những bức vẽ to tướng, tuyên truyền cho cuộc kháng chiến của ta.
Các báo chí Trung Quốc, từ Nhân dân nhật báo của Trung ương Đảng Cộng sản, cho đến báo của nhi đồng, các tập san của các ngành thể dục, thể thao, công nhân xe lửa,..., báo nào cũng có những bài ủng hộ Việt Nam, lên án giặc Mỹ.
Trong các ngành văn nghệ - múa, hát, thơ, kịch, vẽ, thêu, chiếu bóng, múa rối... - đều có những sáng tác miêu tả cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Nội dung phần lớn những sáng tác đó lấy ở trong tập Từ tuyến đầu Tổ quốc. Quyển Sống như Anh rất phổ biến ở đây, nghe nói đã in đến độ 4 triệu quyển. Lần đầu tiên tôi được thấy bà con Trung Quốc dùng những vỏ trai, vỏ ốc biển, chắp thành hình tượng những cô dân quân, những anh du kích Việt Nam, rất khéo và rất tinh thần.
Tôi thấy rằng việc tuyên truyền cho cuộc chống Mỹ, cứu nước của ta, so với chúng ta, thì anh em Trung Quốc đã làm nhiều hơn, khéo hơn và rộng khắp hơn. Về mặt này, chúng ta cần cố gắng hơn nữa.
Tuy nơi tôi đến thăm là một vùng núi và hẻo lánh, phong trào ủng hộ Việt Nam cũng rất cao. Thí dụ: Mỗi ngày, các báo tường của đội sản xuất đều đăng những tin tức thắng lợi của ta ở hai miền Bắc Nam. Bà con xã viên rất chăm chú theo dõi. Bất kỳ làm việc gì, họ cũng nói: "Phải làm cho nhanh, cho tốt, để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc và góp phần ủng hộ anh em Việt Nam".
Các em bé chín, mười tuổi cũng biết quan tâm đến phong trào kháng chiến Việt Nam anh em. Tôi rất cảm động khi nghe các em kể lại rất rành mạch chuyện "Chú Trỗi" và chuyện "Anh Ngọc", và thủ thỉ nói: "các chú thanh niên và các bạn nhi đồng Việt Nam anh dũng lắm, chú nhỉ!". Các em hát bài Giải phóng miền Nam (bằng tiếng Trung Quốc) rất nhịp nhàng. Các em có nhiều, rất nhiều quyển sách nhỏ kể chuyện Việt Nam chống Mỹ, bằng những bức vẽ, kèm theo với lời giải thích gọn gàng, dễ hiểu, dễ nhớ.
Rõ ràng là ở Trung Quốc, trẻ em cũng như người lớn đều thấm nhuần "tình nghĩa môi răng" đối với nhân dân Việt Nam ta. Mà điều đó là kết quả của sự giáo dục của Đảng Cộng sản và của Chủ tịch Mao Trạch Đông.
Nhân đây, tôi muốn kể thêm một chuyện nữa. Công xã tôi đến thăm thuộc về huyện Sin Châu. Huyện này có độ 50 vạn dân với 5 vạn hécta đất núi. Trước đây thường bị thiên tai, sản lượng rất thấp. Năm 1960, đồng chí Bạch Chu Tiên - một cựu chiến sĩ Bát lộ quân - được cử làm bí thư huyện ủy. Sau khi đã điều tra, nghiên cứu kỹ tình hình trong huyện, đồng chí Bạch đã "ba cùng" với một đội sản xuất kém nhất trong công xã, rút kinh nghiệm để lãnh đạo toàn diện. Noi gương lao động quên mình của đồng chí Bạch, cán bộ và nhân dân cả huyện đều ra sức thi đua tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh. Sau bốn, năm năm phấn đấu, Sin Châu đã từ một huyện nghèo nàn trở thành một huyện nhiều lúa, nhiều bông, nhân dân no ấm.
LÊ NÔNG
----------------------
Báo Nhân Dân, số 4460, ngày 23-6-1966, tr.4.