Năm 1960 mở màn với những thắng lợi to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa. Thí dụ: so với năm 1958 thì năm 1959 tổng sản lượng công nghiệp và nông nghiệp của Trung Quốc tăng 31%. Liên Xô thì tăng ba triệu rưỡi tấn gang, năm triệu tấn thép, 346 triệu thước vải, v.v..
Những thành tích ấy thật là to, song to hơn nữa là con người mới. Như ở Liên Xô, trong 20 vạn đội "Lao động cộng sản chủ nghĩa" đã nảy nở ra hơn 30 vạn người "đột kích", là những người lành nghề đã tự động hy sinh mức lương cao của mình đến làm với những đơn vị kém để giúp nó thành những đơn vị giỏi. Phong trào này đang lan rộng giữa các nhà máy này với nhà máy khác, giữa nhà máy này với nông trường, giữa các ngành và các nghề khác nhau để cùng tiến bộ.
Để so sánh kinh tế xã hội chủ nghĩa với kinh tế tư bản chủ nghĩa, bà con ta nên nhớ rằng: so với năm 1953 thì năm 1959, sản lượng công nghiệp của Liên Xô tăng 90% mà Mỹ chỉ tăng 11%.
- Đúng vào hôm 15-1, Liên Xô đã chủ động quyết định giảm bớt 1 triệu 20 vạn người trong quân đội mình. Trong bốn năm trước, Liên Xô đã giảm bớt 2 triệu 14 vạn binh sĩ. Đồng thời Liên Xô đề nghị với các nước giải trừ quân bị tuốt thuột luột, không để một quân đội nào.
Nếu các nước đế quốc đồng ý điều đó thì cả thế giới sẽ có hơn 100 triệu quân nhân được trở về sản xuất. Và mỗi năm sẽ tiết kiệm được hơn 100 tỉ đôla (tức là 400.000 triệu đồng bạc ta). Với số tiền đó, người ta có thể xây hàng chục triệu xưởng máy hoặc hàng chục triệu nhà ở rộng rãi cho hàng trăm triệu gia đình.
Liên Xô đã vì hòa bình và nhân đạo mà chủ động giảm quân bị. Trái lại đế quốc Mỹ thì hòng tăng thêm. Năm nay, phí tổn quân sự Mỹ là 45 tỉ rưỡi đôla, chiếm 57% tổng ngân sách Mỹ (chi phí quốc phòng Liên Xô chỉ chiếm non 13% tổng ngân sách). Nhưng bọn quân phiệt Mỹ đang nhao nhao đòi tăng thêm 15 tỉ nữa! Trong lúc đó, một phần ba số gia đình Mỹ phải ở chui rúc trong những ngôi nhà chật hẹp, một phần tư số người Mỹ không đủ ăn (lời Tơruman, cựu Tổng thống Mỹ) và bốn triệu công nhân Mỹ thất nghiệp hoàn toàn.
Liên Xô giảm bớt nhiều quân đội như vậy có nguy hiểm không? Không! Đồng chí Khơrútsốp đã tuyên bố: "Nếu có kẻ điên rồ dám tấn công Liên Xô hoặc các nước xã hội chủ nghĩa khác, thì Liên Xô có thể hoàn toàn san phẳng một hoặc nhiều nước nào tấn công chúng ta…".
- Hôm 20 và 31-1, Liên Xô đã phóng thành công xuống Thái Bình Dương loại tên lửa to nhất thế giới. Tên lửa này bay cao 1.250 cây số, bay nhanh 26.000 cây số một giờ. Cách xa 12.500 cây số mà bắn trúng thẳng vào đích!
Việc này lại làm cho đế quốc Mỹ cuống cuồng lên. Hôm 3-2, chính Tổng thống Mỹ đã nhận rằng: "Liên Xô đã thắng Mỹ trong việc chinh phục vũ trụ và chế tạo tên lửa". Và ba, bốn năm sau này, Liên Xô vẫn giữ được ưu thế đó.
Nhiều nghị sĩ và tướng tá Mỹ (như tướng Paoơ, Tư lệnh không quân Mỹ) thì hoảng hốt nói: "Hiện nay Liên Xô có đủ tên lửa để tiêu diệt các thành phố và trường bay Mỹ trong 30 phút đồng hồ…".
Hôm 10-2, được tin Tổng thống Mỹ sắp đến thăm căn cứ tên lửa Cáp Canavêran, bộ đội ở đây chuẩn bị bắn tên lửa Átlát cho tổng thống xem, vì tên lửa ấy được tổng thống ca tụng nhất. Không ngờ Átlát lại bị tịt ngòi! Thất bại này làm cho chuyên gia Mỹ rất luống cuống và Tổng thống Mỹ rất bực mình.
- Xưa nay người Mỹ thường khoe khoang "cái gì Mỹ cũng nhất thế giới". Bây giờ, xin bà con hãy nghe những lời than phiền của bọn họ:
Tờ báo của đại tư bản Mỹ - báo Phố Uôn viết: "Nếu Mỹ không bảo vệ được đồng đôla, thì đừng có mong bảo vệ Tây Âu, châu Á, châu Phi và châu Nam Mỹ…". Nhưng đồng đôla đã kém sút, vì trong thế giới tư bản năm 1957, sản lượng công nghiệp Mỹ chiếm 62% và mậu dịch chiếm 32%. Năm 1958, sản lượng công nghiệp sụt xuống 47% và mậu dịch 19%.
Tờ Thời báo thì nói thẳng rằng: "Đồng đôla không còn là "anh chị" trong thế giới tư bản nữa… Địa vị Mỹ thì ngày càng sa sút… mà khả năng dồi dào của phe xã hội chủ nghĩa thì đang trên đà nhảy vọt về mọi mặt".
Nghị sĩ Hămphơrây (ngày 26-1) nói: "Năm ngoái, thu nhập của nông dân Mỹ đã giảm sút 2 tỉ đôla, số công nhân thất nghiệp thì tăng lên rất cao… Nếu cứ theo đà này thì Mỹ không thể thi đua với phe xã hội chủ nghĩa đoàn kết và có kỷ luật của người cộng sản…".
Hiện nay, các báo chí và chính khách Mỹ đang cãi nhau dữ dội về tình hình Mỹ.
- Đối với phong trào giải phóng dân tộc, năm 1960 cũng mở màn một cách sáng sủa. Ngay hôm 1-1-1960, nước Camơrun (châu Phi) tuyên bố độc lập. Các thuộc địa như Tôgô, Cônggô, Kênia, v.v. cũng sôi nổi đòi quyền tự do.
Ngày 25-1, Đại hội lần thứ hai của nhân dân châu Phi họp tại Tuynidi, có đại biểu 30 nước đến dự. Đại hội nhất trí nhận rằng: đế quốc Mỹ là kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân châu Phi… Đại hội kêu gọi nhân dân các nước châu Phi đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau để chiến đấu giành lại độc lập. Đại hội quyết định độc lập những đội quân tình nguyện để giúp Angiêri kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng…
- Ở Nam Mỹ, phong trào chống đế quốc Hoa Kỳ cũng đang lên cao, nhất là ở Cu Ba. Chính phủ nước này đã tịch thu hết đồn điền của bọn thực dân Hoa Kỳ và chia ruộng đất cho dân cày. Công nhân và cán bộ Cu Ba tự động quyên 4% tiền lương của mình để xây dựng Tổ quốc.
Sau khi đi thăm các nước Nam Mỹ về, ông Aicơn (đại biểu Quốc hội Mỹ) đã báo cáo rằng: Chính sách Mỹ đã ngăn trở kinh tế các nước ấy không phát triển được, vì vậy nhân dân rất căm ghét Mỹ. Thí dụ: Để bán lúa thừa ế của mình, Mỹ đã tìm cách hạn chế nhân dân Bôlivi trồng lúa. Do đó, sản lượng lúa Bôlivi đã giảm sút 50% và dân bị đói kém. Lại như người Panama ghét Mỹ, vì Mỹ đã "biến khu vực kênh Panama thành một nơi xa xỉ giữa cả biển người Panama đói nghèo".
Nói tóm lại, khắp năm châu, nhân dân nơi nào cũng phản đối đế quốc Mỹ.
- Ở miền Bắc nước ta, đồng bào đã ăn Tết vui vẻ hơn Tết năm ngoái.
Mồng một Tết, mọi người phấn khởi hoan nghênh Hiến pháp mới. Tiếp đến là anh em công nhân các xí nghiệp thi đua hoàn thành vượt mức quý I của kế hoạch Nhà nước, đồng bào nông dân thì thi đua làm cho vụ Đông - Xuân thắng lợi toàn diện và vững chắc. Khắp nơi, từ các cụ già đến các em bé đều hăng hái thi đua "Tết trồng cây".
Trong dịp toàn dân ta tưng bừng chúc Đảng 30 tuổi, thì ngót ba vạn người lao động ưu tú nhất đã sung sướng được nhận làm đảng viên. Thế là Đảng ta ngày càng thêm mạnh để lãnh đạo nhân dân ta xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
T.L.
------------------------
Báo Nhân Dân, số 2158, ngày 14-2-1960, tr.6.