Phong trào hợp tác xã nông nghiệp lên rất mạnh, cho nên các “trạm kỹ thuật nông nghiệp” phát triển rất nhanh. Năm 1954, mới có 3.500 trạm. Cuối năm 1955 tăng đến 8.000 trạm, với gần 5 vạn nhân viên. Gần 40 phần 100 khu nông thôn (như huyện của ta) và các khu ngoại ô thành thị lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh đều có “trạm kỹ thuật”.
Trạm bày vẽ cho nông dân chọn giống, trữ phân, giết sâu, khơi mương, chống hạn… Kết quả là có nơi trước kia chỉ cấy 1 mùa, nay cấy 2 mùa, và có nơi sản xuất tăng từ 15 đến 40 phần 100.
Cách làm việc của các trạm là dựa vào các hợp tác xã nông nghiệp, tùy theo tình hình thiết thực của mỗi địa phương mà chỉ đạo về kỹ thuật; nghiên cứu, tổng kết và truyền bá những kinh nghiệm của quần chúng ở địa phương. Thí dụ, năm ngoái, các trạm ở tỉnh Phúc Kiến đã tổng kết được 65 kinh nghiệm, ở huyện Mê Chi, tỉnh Thiểm Tây, tổng kết được 13 kinh nghiệm. Những kinh nghiệm ấy rất có ích cho việc tăng gia sản xuất.
Các trạm lại phổ biến kỹ thuật theo cách “vết dầu loang”. Họ cùng đoàn thanh niên ký giao kèo “quyết dạy, quyết học”, do đó, đã đào tạo hàng vạn nông dân thành cốt cán kỹ thuật. Rồi do những cốt cán ấy tổ chức những “lưới kỹ thuật” huấn luyện thêm hàng triệu nông dân thành nhân viên kỹ thuật. Nhờ vậy, mà kỹ thuật nông nghiệp được phổ biến rất nhanh.
Cuối năm nay, ngoài một số ít vùng tự trị của dân tộc thiểu số, hầu hết các khu đều có “trạm kỹ thuật”.
Đó là những kinh nghiệm rất quý báu cho cán bộ nông nghiệp ta.
C.B.
------------
Báo Nhân Dân, số 677, ngày 9-1-1956, tr.2.