Từ tháng 1-1956, nhiều thành thị Trung Quốc đã tiến vào xã hội chủ nghĩa: các xí nghiệp chủ chốt là của Nhà nước, tức là của chung, của nhân dân. Các xí nghiệp riêng của các nhà tư bản, đều trở nên công tư hợp doanh. Các thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp đều đoàn kết nhau lại trong các hợp tác xã. Nông dân ở ngoại ô đều tự động vào hợp tác xã nông nghiệp. Bắc Kinh, Nam Kinh, Trùng Khánh, Hàn Khẩu… và Thượng Hải đều như vậy.

Thượng Hải (8 triệu nhân dân) là một thành phố to nhất của Trung Quốc, cũng là một trong những thành phố to nhất trên thế giới. Công thương nghiệp tư ở đó chiếm một nửa tổng số trong cả nước. Về văn hóa, Thượng Hải có 157 trường tư trung học và 606 trường tư tiểu học, nay đều thành trường công. Hôm 20 tháng này, hơn 10 vạn hộ công thương nghiệp của tư đều được công tư hợp doanh, họ đã cùng nhân dân thành phố tổ chức cuộc ăn mừng rầm rộ. Nhiều người tư bản to và vợ con họ đã tham gia diễn kịch, múa hát, vui vẻ với toàn dân.

Các nhà tư bản Trung Quốc bị bắt buộc hay là tự giác, tự nguyện theo xã hội chủ nghĩa?

Xin để ông Vinh Nghị Nhân trả lời câu đó. Ông Vinh là một nhà đại tư bản, năm nay 40 tuổi, có 24 nhà máy to ở 8 thành phố lớn. Ông nói:

“Tôi là một người Trung Quốc trước, sau là một nhà tư bản… Thấy tôi tán thành xã hội chủ nghĩa, nhiều bạn nước ngoài lấy làm kỳ quái, đến hỏi han tôi. Có người nghi tôi là đảng viên cộng sản giả mạo người tư bản để tuyên truyền… Sự thật, thì trước kia nghe nói cộng sản, tôi cũng hơi sợ, nhưng nay thì không sợ nữa…

Cha tôi kinh doanh to từ cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Về sau, vì trong nước thì nội chiến, các nước ngoài thì bị khủng hoảng kinh tế, cơ nghiệp của cha tôi cũng gặp khó khăn. Lúc đó, cha tôi ủng hộ Quốc dân đảng và Tưởng Giới Thạch. Không ngờ khi Tưởng thắng, nó bắt cha tôi phải đút lót 10 vạn đồng, nó mới tha. Rồi anh vợ nó là Tống Tử Văn tìm cách chiếm đoạt nhà máy của cha tôi. Cảnh sát trưởng của Tưởng lại bắt giam cha tôi (70 tuổi) hơn 1 tháng, và bắt chuộc 20 vạn đô-la Mỹ.

Ngày Thượng Hải được giải phóng, cả nhà tôi đều e sợ cộng sản. Anh và em tôi, người thì chạy sang kinh doanh ở Xiêm (nay bị phá sản rồi), người thì đến ở Hương Cảng. Vì ghét bọn Quốc dân đảng và bọn đế quốc, cha tôi không chịu rời bỏ quê hương. Tôi cũng không chịu làm một tên “Tàu trắng”. Hai cha con liều ở lại…

Về sau, nhờ Đảng và Chính phủ giáo dục và giúp đỡ, cho vay thêm vốn, đặt hàng, giúp sửa đổi lề lối quản lý…, xí nghiệp của chúng tôi lại được phát triển: năm 1953, tiền lãi lên bằng 1 phần 4 tiền vốn. Lại nhờ cải cách ruộng đất, nông dân trồng bông nhiều, nhà máy dệt của chúng tôi không cần bông nước ngoài. Cuộc kháng Mỹ, giúp Triều thắng lợi, làm cho chúng tôi hết đầu óc phục Mỹ, sợ Mỹ. Nước nhà xây dựng ngày càng phồn thịnh, mọi người no ấm, yên vui. Nếu không có Đảng, không có xã hội chủ nghĩa, thì làm gì có kết quả tốt đẹp như ngày nay.

Thực hiện chủ nghĩa xã hội thì tôi được gì? mất gì?

Tôi mất là mất cái thủ đoạn cá nhân bóc lột. Tôi được là được cả một nước nhà mạnh giàu, một dân tộc sung sướng; tôi được Chính phủ tin dùng, nhân dân tôn trọng. Ngay con tôi, đứa thì muốn học làm công trình sư, đứa thì muốn trở nên nghệ sĩ, chúng cũng không muốn làm nhà tư bản…”.

Từ ngày được phép công tư hợp doanh, ở các thành thị, có những cuộc hội họp thảo luận giữa các gia đình công thương. Vợ và con ông Vinh đều hăng hái tham gia. Không những họ ủng hộ chính sách của Đảng và Chính phủ, mà còn mong sớm thực hiện công tư hợp doanh.

Ở các đô thị Trung Quốc, xã hội chủ nghĩa đã thay thế cho tư bản chủ nghĩa, đó là một thắng lợi rất to lớn, là một thắng lợi của sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Mao Chủ tịch. Đó là một thắng lợi của chủ nghĩa Mác-Lênin. Vậy có câu:

Xã hội chủ nghĩa thắng ở Trung Hoa,
Thắng lợi của bạn cũng như của ta.

C.B.

---------

Báo Nhân Dân, số 696, ngày 28-1-1956, tr.2.

Tin liên quan

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Địa phương giàu, cả nước mạnh. Cả nước mạnh, địa phương giàu

Tôi rất tâm đắc với nội dung bài xã luận “Dân giàu nước mạnh; nước mạnh dân giàu” đăng trên báo Nhân Dân ngày 5/3/1988. Quan điểm về quan hệ kinh tế - xã hội giữa một người, một nhóm, một tập thể với cả nước, cả xã hội đã được trình bày rõ. Ở đây tôi muốn nêu một khía cạnh khác về mối quan hệ giữa cả nước và một địa phương, mà địa phương là bộ phận hợp thành của cả nước.